Thứ Hai, 30 tháng 7, 2012

Thiên Chúa có khả năng nhân lên nhiều mỗi một cử chỉ yêu thương nhỏ nhặt của chúng ta

Thiên Chúa có khả năng nhân lên nhiều mỗi một cử chỉ yêu thương nhỏ nhặt của chúng ta





Qua phép lạ hoá bành ra nhiều, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy rằng nếu mỗi người cống hiến cái ít ỏi mình có, thì phép lạ mới luôn có thể xảy ra: Thiên Chúa có khả năng nhân lên nhiều mỗi một cử chỉ yêu thương nhỏ nhặt của chúng ta, và khiến cho chúng ta trở thành những người chia sẻ ơn của Người.

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã khẳng định như trên với 2.000 tín hữu và du khách hương tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin trong sân nhà nghỉ Castel Gandolfo trưa Chúa Nhật hôm qua.

Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha đã suy tư về phép lạ Chúa Giêsu hoá bánh ra nhiều để nuôi dân chúng đi theo nghe Người giảng dậy, như Thánh sử Gioan kể trong chương 6 của Phúc Âm.

Ngài nói: Các hành động do Chúa Giêsu làm song song với các hành động trong Bữa Tiệc Ly: “Người cấm lấy bánh, và sau khi dâng lời tạ ơn, Người phân phát cho những người ngồi đó” (Ga 6,11). Việc nhấn mạnh trên đề tài “bánh”, được chia sẻ, và việc tạ ơn trong tiếng Hy Lạp là “eucharistesas” (c. 11), gợi lại Bí tích Thánh Thể, Hy tế của Chúa Kitô cho ơn cứu độ của thế giới.

Thánh sử nhận xét rằng lễ Vượt Qua tới gần (c. 4). Cái nhìn hướng tới Thập Giá, sự hiến dâng hoàn toàn vì tình yêu và hướng tới Thánh Thể, kéo dài luôn mãi sự hiến dâng: Chúa Kitô trở thành bánh sự sống cho con người. Thánh Augustinô chú giải: “Ai là bánh của trời, nếu không phải là Chúa Kitô? Nhưng để con người có thể ăn bánh của các thiên thần, Chúa của các thiên thần đã làm người. Nếu đã không làm như thế, thì chúng ta sẽ không có thân xác Người; mà không có thân xác Người, chúng ta sẽ không được ăn bánh của bàn thờ” (Sermone 130,2). Thánh Thể là cuộc gặp gỡ lớn lao thường xuyên của con người với Thiên Chúa, trong đó Chúa trở thành của ăn cho chúng ta, trao ban chính Người cho chúng ta để biến đổi chúng ta trong Người.

Trong cảnh hoá bánh ra nhiều, sự hiện diện của một cậu bé được ghi nhận. Trước nỗi khó khăn phải nuôi biết bao nhiêu người, cậu bé ấy góp chút lương thực mình có, là 5 cái bánh và 2 con cá (Ga 6,8).

Đức Thánh cha giải thích phép lạ: Phép lạ không xảy ra từ nhưng không, mà từ một sự chia sẻ khiêm tốn đầu tiên của điều mà một cậu bé đơn sơ đã có bên mình. Chúa Giêsu không xin chúng ta điều chúng ta không có, nhưng Ngài cho chúng ta thấy rằng nếu mỗi người cống hiến cái ít ỏi mình có, thì phép lạ mới luôn có thể xảy ra: Thiên Chúa có khả năng nhân lên nhiều mỗi một cử chỉ yêu thương nhỏ nhặt của chúng ta, và khiến cho chúng ta trở thành những người chia sẻ ơn của Người. Đám đông bị đánh động bởi phép lạ: họ trông thấy nơi Đức Giêsu ông Môsê mới, xứng đáng quyền năng, và họ trông thấy trong bánh manna mới tương lai được bảo đảm, nhưng họ chỉ dừng lại nơi yếu tố vật chất, và Chúa “biết rằng họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lánh mặt, đi lên núi một mình” (Ga 6,15). Chúa Giêsu không phải là một vị vua trần gian thực thi sự thống trị, mà là một vì vua phục vụ, cúi xuống trên con người để không chỉ thoả mãn cái đói vật chất, mà nhất là phục vụ cái đói sâu xa hơn: cái đói Thiên chúa.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy xin Chúa làm cho chúng ta khám phá ra tầm quan trọng nuôi dưỡng chính mình bằng mình Chúa Kitô, bằng cách trung thành tham dự Thánh Thể với ý thức lớn lao, để luôn ngày càng kết hiệp mật thiết hơn với Người. Thât thế, “không phải thực phẩm Thánh Thể biến đổi trong chúng ta, mà chính chúng ta là những người đến với thực phẩm Thánh Thể được đổi thay một cách nhiệm mầu. Chúa Kitô dưỡng nuôi chúng ta bằng cách kết hiệp chúng ta với Người; Người lôi kéo chúng ta vào trong Người” (Tông huấn Sacramentum caritatis, 70). Đồng thời, chúng ta muốn cầu nguyện để đừng có ai thiếu bánh ăn cần thiết cho một cuộc sống xứng đáng, và để cho các bất bình đẳng được dẹp bỏ không phải bằng vũ khí của bạo lực, nhưng bằng sự chia sẻ và tình yêu.

Chúng ta hãy tín thác nơi Đức Trinh Nữ Maria, trong khi khẩn nài sự che chở hiền mẫu của Mẹ trên chúng ta và các người thân của chúng ta.

Tiếp đến, Đức Thánh Cha đã cất Kinh Truyền Tin và ban phép lành Toà Thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin, Đức thánh Cha Bênêđictô XVI đã tha thiết kêu gọi các phe liên hệ ngưng chiến tại Syria. Ngài xin cộng đồng quốc tế giúp tìm ra giải pháp chính trị và tái lập hoà bình và hoà giải cho quốc gia này.

Đức Thánh Cha nói: Anh chị em thân mến, tôi tiếp tục âu lo theo dõi các giai đoạn bạo lực thê thảm gia tăng tại Syria, với hàng loạt người chết và bị thương, cả giữa các thường dân, và một số rất đông người di tản trong nội địa và người di cư sang các nước láng giềng. Tôi xin cho họ được bảo đảm sự trợ giúp nhân đạo và xã hội. Tôi xin canh tân sự gần gũi của tôi đối với dân chúng khổ đau và nhớ tới họ trong lời cầu nguyện. Tôi xin lặp lại lời kêu gọi tha thiết chấm dứt mọi bạo lực và đổ máu. Tôi cầu xin Thiên Chúa ban ơn khôn ngoan đặc biệt cho những người có trọng trách, để đưa ra mọi nỗ lực trong việc tìm kiếm hoà bình, kể cả từ phía cộng đoàn quốc tế, qua sự đối thoại và hoà giải, nhắm tới một giải pháp chính trị thích hợp cho cuộc xung khắc. Tôi cũng nghĩ tới quốc gia Irak thân yêu trong những ngày này đã bị nhiều vụ mưu sát trầm trọng, khiến cho nhiều người chết và bị thương. Ước chi quốc gia lớn lao này tìm lại được con đường ổn định, hoà giải và hoà bình.

Đức Thánh Cha cũng nhắc tới Ngày Quốc tế Giới trẻ lần thứ 28 tại Rio de Janeiro, Brasil, vào năm tới. Đây là một dịp quý báu giúp biết bao nhiêu người trẻ sống kinh nghiệm niềm vui và vẻ đẹp thuộc về Giáo Hội và sống đức tin. Đức Thánh Cha nhìn về biến cố này với niềm hy vọng. Ngài khích lệ và cám ơn ban tổ chức, đặc biết là Tổng Giáo phận Rio de Janeiro, mau mắn dấn thân chuẩn bị tiếp đón các bạn trẻ đến từ khắp nơi trên thế giới tham dự biến cố quan trọng này của Giáo Hội.

Đức Thánh Cha cũng bày tỏ sự gần gũi của ngài với các công nhân Xưởng Chế Thép Ilva tại tỉnh Taranto, nam Italia, và gia đình họ, đang phải sống thời gian khó khăn, vì nguy cơ mất công ăn việc làm. Ngài khích lệ tất cả mọi người có ý thức trách nhiệm và cỗ vũ các cơ quan quốc gia và địa phương cố gắng làm mọi sự có thể để đạt tới một giải pháp công bằng, bảo vệ quyền sức khoẻ cũng như công ăn việc làm cho công nhân, đặc biệt trong thời gian khủng hoảng kinh tế này. Khi nghe tin xưởng chế thép phải đóng cửa, các công nhân đã kéo nhau xuống đường biểu tình và chiếm Toà Thị sảnh Thành phố.

Sau cùng, Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau và chúc mọi người mùa hè vui vẻ khoẻ mạnh.



Linh Tiến Khải

Nguồn: RV



PHÉP LẠ CỦA THẾ KỶ 21

SUY NIỆM TIN MỪNG CHỦ NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN NĂM B


PHÉP LẠ CỦA THẾ KỶ 21



Cổ nhân có câu: “Dân dĩ thực vi thiên” (người ta coi miếng ăn bằng trời). Thực vậy, con người không thể sống mà không ăn. Mỗi phút sống của con người đều cần năng lượng cho dù là lao động cật lực hay nằm ngủ khì. Cần phải nạp năng lượng để bù vào khoảng tiêu hao để tiếp tục sinh tồn. Đó là lẽ tự nhiên! Cũng không phải vô cớ mà người ta hay nói: “Con đường ngắn nhất dẫn đến trái tim là con đường thông qua bao tử”. Ai đã trải qua cái đói chắc hẳn có thể cảm nghiệm được điều này. Nhớ thời bao cấp, anh bạn tôi một đêm đói quá không ngủ được, lồm cồm bò dậy làm… thơ:
- Em ơi anh nhớ em nì
Cho anh một củ khoai mì được không?
- Khoai em mới bới ngoài vồng
Thương anh thương thật, đừng hòng chia khoai
- Nhớ em anh gọi em hoài
Thương anh thì để cho vài bắp ngô
- Thương anh như nước Biển Hồ
Muốn gì cũng được nhưng ngô thì… đừng!
- Cơm khoai rắc tí muối vừng
Thương nhau thì để cho chừng bát con
- Mẹ em mới mượn ngoài hòn
Được lưng chén gạo có còn nữa đâu!
- Thôi đành hẹn lại kiếp sau
Yêu nhau không nỡ chửi nhau kiếp này
Khốn thay cho cái dạ dày
Không cơm không gạo tình quay mòng mòng…

Thế mới biết cái đói chi phối con người ta đến mức nào! Cũng chả trách nhiều người luôn miệng: “Có thực mới vực được đạo”. Chúa Giêsu biết hết mọi nhu cầu của con người. Ngoài việc rao giảng Lời Hằng Sống, chữa lành bệnh tật, Người còn cho họ “ăn”. Với quyền năng của Người, mọi sơn hào hải vị chỉ là “chuyện nhỏ”! Vậy mà không, chỉ đơn giản là bánh và cá xuất phát từ bữa ăn đơn giản của một cậu bé nghèo. Nhưng, “ai muốn bao nhiêu tuỳ thích”! Chúa Giêsu còn tâm lý hơn, Người hóa ra dư dả để mọi người được no nê, không phải làm khách, mặc dù Người không thích phí phạm: "Hãy thu lấy những miếng còn lại, kẻo phí đi" (Ga. 6, 12). Còn mong chờ gì hơn, mơ ước gì hơn? Không, tôi đã lầm! Ham muốn của con người là không giới hạn:

  • Tôi vẫn chưa được ăn tô phở bò Kobe giá 35 đô.
  • Tôi vẫn chưa có Ipad, Iphone...
  • Tôi vẫn chưa sắm được Innova.
  • Tôi vẫn chưa lo được cho con tôi vào trường quốc tế.
  • Tôi vẫn chưa sắm đủ thiết bị nội thất ưng ý cho tổ ấm của mình.
Và thế là, tôi khư khư nắm chặt tay lại, tính toán, cân nhắc… Tôi quên mất rằng tôi đang hiện diện đây chính là nhờ: “Chúa mở rộng bàn tay ra, và thi ân cho mọi sinh vật được no nê.” (Tv 144, 16). Tôi quên mất rằng mọi việc Chúa làm là để nêu gương cho tôi. “Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13, 15) Chính vì thế, tôi cứ bo bo giữ chặt “năm cái bánh và hai con cá” khẩu phần của mình. Và, phép lạ đã không xảy ra! Trong nạn đói năm xưa, khi tiên tri Êlia đến với bà góa thành Sarepta, nếu bà góa ấy không mạnh dạn trút hũ bột và lọ dầu ra thì chắc hẳn phép lạ cũng đã không xảy ra. Hũ bột và lọ dầu ấy có dè xẻn lắm cũng chỉ được 2 ngày cho hai mẹ con. Giữa thế kỷ 21 này, có lẽ chẳng còn mấy ai tin vào phép lạ, đó cũng chính là nguyên do để phép lạ… không xảy ra! Tôi vẫn nghe đâu đó những câu đại loại như:

  • Vụ tai biến vừa rồi, không có tiền là tôi chết rồi!
  • Thằng con tôi gây tai nạn giao thông, không có tiền là “ba bó” như chơi!
  • Vợ tôi sinh khó, không có tiền là coi như tiêu.
  • Con gái tôi bị bệnh mắt bẩm sinh, không có tiền thì chắc giờ này đui luôn rồi.
Không nghe ai nói: “Không có Chúa thì tôi chết rồi!” À, có. Nhưng chỉ nói nhỏ thôi vì những người nói câu này đều nghèo, không dám nói lớn, sợ nói lớn không ai nghe! Tôi đã chứng kiến chị “nói nhỏ” bị bác sĩ chê, chỉ uống dăm ba thứ lá thuốc vớ vẩn đã khỏe mạnh lại cả chục năm nay. Tôi cũng chứng kiến anh “nói lớn” qua tận Singapore điều trị hóa chất 5-7 đợt chỉ sống thêm được mấy tháng. Phép lạ vẫn hiển nhiên đó nhưng chỉ vì tôi còn đóng chặt cửa tâm hồn nên không nhận thấy.

Hiện nay, trên thế giới có hơn 1 tỷ người đang đói. Vậy mà, trên nhiều bàn tiệc bia bọt vẫn chảy tràn lan. Trong nhiều cuộc liên hoan, người ta đùa giỡn bằng cách ném bánh kem, trái cây, sôcôla vào nhau… "Hãy thu lấy những miếng còn lại, kẻo phí đi" (Ga. 6, 12), lời Chúa phán hóa nên lạc lõng!

Để biết sống yêu thương và chia sẻ quả thật không dễ! Trước tiên, tôi phải biết đồng cảm với người anh em. Vui với niềm vui của anh em, buồn với nỗi buồn của anh em, lo với nỗi lo của anh em, đói với cái đói của anh em… Tôi may mắn có một người thầy nay là mục tử của một giáo phận ngoài Bắc. Thuở hàn vi, thầy trò cùng làm ruộng sinh sống ở một vùng cao, việc lấy nước vào ruộng rất khó khăn. Chúng tôi thường phải chia thêm phiên nước đêm vì nước lấy ban ngày không đủ. Do đó, thường nảy sinh việc tháo nước trộm. Nhiều hôm, vất vả đi ngược mương cả hai, ba cây số dẫn nước về, chưa đến ruộng mình đã thấy người khác mở “trổ” cho chảy vào ruộng của họ. Tôi rất bực mình đối với hạng người này. Một hôm, “ông thầy” hỏi tôi: “Cậu nghĩ sao khi một người đã từng nói với cậu “Tôi thà chịu đói chớ không tháo nước trộm”, một hôm lại bị người ta đập vì tội tháo nước trộm?” Tôi ngập ngừng chưa biết trả lời sao, “ông thầy” tiếp tục: “Có thể khi anh ta nói câu đó là hết sức thật lòng. Nhưng lúc bấy giờ anh chưa đối diện với thực trạng vợ anh đang sốt mê man, con anh chỉ húp cháo loãng cầm hơi, miếng ruộng lại vênh bánh tráng vì khô hạn…” “Ông thầy” đã dạy cho tôi bài học cảm thông thay cho bài học xét đoán. Tôi tin rằng hiện nay, ông đang lo lắng cho đàn chiên của mình bằng tình yêu xuất phát từ một niềm cảm thông thật sự.

Lạy Chúa Giêsu, cảm tạ Chúa đã thông cảm với những đói khát rất con người của chúng con. Chúa đã thương ban cho chúng con những gì cần thiết để trở nên giống Chúa. Chúa đã cho nhiều người còn đói khát, thiếu thốn để tạo cơ hội cho chúng con bắt chước Chúa mở rộng bàn tay. Xin cho chúng con biết hy sinh những chiếc bánh, con cá riêng tư để phép lạ Chúa được diễn ra hằng ngày trong cuộc sống. Đó chính là cách thế để “Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến và Ý Cha thể hiện”. Amen.


* Pio X Lê Hồng Bảo

Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2012

Để phép lạ được tiếp tục

Để phép lạ được tiếp tục
(Chúa Nhật 17 Thường Niên B)



Thiên Chúa là Tình Yêu, đó là một định nghĩa thật chính xác về Thiên Chúa của Kitô giáo chúng ta. Tình yêu ấy bao trùm toàn thể vũ trụ này. Không một thụ tạo nào có thể sống và tồn tại nếu không nằm trong quỹ đạo yêu thương của Ngài. Là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa, nên khi đến trần gian, trong những ngày tháng công khai rao giảng, Chúa Giêsu đã thể hiện tình yêu ấy một cách cụ thể như trong bài Tin Mừng hôm nay.

Thật thế, nhằm đáp ứng nhu cầu khát khao chân lý của dân chúng, Chúa sẵn sàng dạy dỗ họ nhiều điều. Rồi khi thấy đám đông đi theo mãi mê nghe Chúa giảng dạy mà quên cả ăn, khiến Ngài không đành lòng để họ ra về giữa cơn đói cồn cào. Nên Chúa đã hỏi: “Philipphê, ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” Câu hỏi làm toát lên một sự quan tâm, lo lắng được xuất phát từ tình yêu chân thành. Dù rằng, chính Tông đồ Philipphê, khi được hỏi đã thú nhận sự bất lực của mình khi trả lời Chúa Giêsu: “Đến hai trăm bạc bánh cũng không đủ để mỗi người được một chút”. Khi nói “hai trăm bạc bánh”, Philipphê muốn nói rằng cho dù có một số tiền lớn tương đương với tiền công 200 ngày của một người Do Thái lúc bấy giờ hoặc tính theo giá trị của hôm nay là 100.000 đồng/công, số tiền này lên đến 20 triệu đồng, thì “cũng chẳng đủ cho mỗi người được một chút”.

Tuy nhiên, tất cả những khó khăn đó không cản trở được tình yêu, lòng thương xót của Chúa Giêsu đối với đám đông đang mệt lả vì đói. Ngài đã vượt qua tất cả mọi trở ngại, để thực hiện một phép lạ thật tuyệt vời. Chỉ với 5 chiếc bánh và 2 con cá của một em bé, Ngài đã làm ra số lương thực đủ cho cả đám đông đang bị cơn đói hành hạ, hơn nữa còn dư lại 12 thúng đầy. Điều con người không thể tưởng, không thể nghĩ, không thể làm được, thì Chúa Giêsu với tình thương Ngài đã thực hiện cách dễ dàng. Nhưng chúng ta cũng lập tức nhận ra rằng Chúa đã thực hiện phép lạ không phải từ số không, nhưng từ chất liệu của con người, đó là bánh và cá. Chúa Giêsu không dùng lời quyền năng để biến từ không ra có, mà phép lạ được khởi đi từ một khẩu phần ăn ít ỏi của một em bé. Vậy là đã quá rõ Chúa muốn qua phép lạ hôm nay nói với mọi người chúng ta rằng: Chúa muốn dùng tình thương của con người, để qua đó Ngài thi thố tình thương của Thiên Chúa cho con người gấp bội. Cũng như sự quảng đại của em bé đã làm cho nhiều người được no nê, những đóng góp của biết bao người thiện chí, dù là ít ỏi, giới hạn, chẳng đáng là bao nhưng thực hiện với lòng yêu thương, sẽ khiến Thiên Chúa làm cho sự quảng đại này được nhân lên, nhân lên mãi trong cuộc sống.

Thế nên, lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại tâm hồn mình và tự vấn xem, chúng ta đang đặt trong tay Chúa bao nhiêu phần trăm cuộc sống và khả năng để Ngài sử dụng theo như ý Ngài muốn? Hôm nay Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hợp tác với Ngài thực hiện những phép lạ y hệt những phép lạ Ngài đã làm xưa. Bất cứ chúng ta trao tặng cho Ngài điều gì - chẳng hạn thời gian, tài năng, tiền của, lời cầu nguyện, sự hy sinh và nguồn lực của chúng ta - Ngài sẽ sử dụng tất cả để đem lại kết quả vượt mọi kỳ vọng vĩ đại nhất của chúng ta. Ngài sẽ bội nhân chúng vượt lên trên mọi niềm mơ ước nào của chúng ta giống như Ngài đã bội nhân 5 chiếc bánh và 2 con cá của cậu bé trong Tin Mừng. Có lẽ đây là điều không dễ vì khi đói, miếng bánh còn quý hơn vàng, và thói đời thường cho rằng “sống chết mặc bây, tao no trước đã”. Nhưng cậu bé sau khi đã quảng đại, sẵn sàng trao khẩu phần ăn của mình cho Chúa, em không chỉ được ăn no nê, mà còn nhận lại được niềm sung sướng khi thấy món quà nhỏ mọn của mình đã đem lại niềm vui bất ngờ cho biết bao người khác.

Nguyện xin Chúa giúp chúng ta luôn giàu lòng quảng đại để có thể trao ban niềm vui và hạnh phúc cho tha nhân trong đời sống bác ái yêu thương. Xin Chúa tiếp tay trợ giúp chúng ta để tình yêu thương nhân ái được toả lan rộng rãi khắp nơi. Amen.




Lm. Nguyễn Nguyên

Bánh Bởi Trời

CN 17 TN/ B
Bài đọc 1: ( 2V. 4: 42-44)
Bài đọc 2: ( Ep. 4: 1- 6)
Tin Mừng : ( Ga. 6: 1-15)



“ CÁC CON HÃY CHO HỌ ĂN”





“ Người ta ăn rồi mà hãy còn dư”. Đó lời Thiên Chúa nói cùng người của Ngài là Tiên tri Êlisa trong sách Các Vua, quyển thứ hai: Có một người từ Baal-Salisa mang đến dâng cho người của Thiên Chúa bánh đầu mùa, hai mươi chiếc bánh mạch nha và lúa mì đầu mùa. Người của Thiên Chúa liền nói: “ Xin dọn cho dân chúng ăn”. Đầy tớ của người ấy trả lời: “ Tôi dọn bấy nhiêu cho một trăm người ăn sao?” Nhưng người ấy ra lệnh: “ Cứ dọn cho dân chúng ăn, vì Chúa phán như sau: “ Người ta ăn rồi mà hãy còn dư”. Đoạn người dọn cho họ ăn mà còn dư đúng như lời Chúa phán.( 2V. 4: 42-44)
Đó là sự việc đã xảy ra vào thời Cựu Ước. Vào thời Tân Ước, Chúa Giêsu cũng đã hai lần hóa bánh ra nhiều để nuôi sống hàng ngàn người, vì dân chúng đi theo nghe Ngài giảng dạy mà quên cả ăn.


Lương thực cần dùng.

Con người có hai thứ lương thực cần được thỏa mãn: đó là những thức ăn để nuôi sống thân xác và những thức ăn để bồi dưỡng tinh thần như lời Chúa đã phán: “Người ta sống không nguyên bởi bánh, mà còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” ( Mt. 4:4)

Qua hai lần hóa bánh ra nhiều để cho dân chúng ăn no nê, chứng tỏ sự quan tâm, lo lắng và chăm sóc của Chúa đối với những người theo Ngài.

Dân chúng theo Chúa Giêsu để nghe Ngài dạy dỗ và được chữa lành bệnh tật. Ngài đã cho họ ăn của ăn tinh thần là giáo lý và Lời Chúa; nhưng cũng không quên nhu cầu ăn uống để nuôi sống thân xác của họ. Họ đã say sưa nghe lời Chúa đến cả quên ăn. Và Ngài đã 2 lần hóa bánh ra nhiều để cho họ ăn. Lần thứ 1, ra khỏi thuyền, Ngài thấy dân chúng đông đảo, thì thương xót họ, và chữa những người bệnh tật trong họ và Ngài hỏi Philipphê: “ Ta mua đâu được bánh cho cho những người này ăn?” ( Ga. 6: 5); và lần thứ 2, thấy dân chúng đã ba ngày liền theo Chúa để nghe Ngài giảng dạy và được chữa bệnh, họ đã quên cả ăn; thấy thế Chúa đã chạnh lòng thương, lại không nỡ để cho họ ra về mà bụng đói meo: “Ta thương xót đoàn lũ này, vì đã ba ngày họ ở lại với Ta, nhưng không có gì ăn: Ta không muốn cho họ về bụng đói, sợ họ té xỉu dọc đường”( Mt. 15: 32). “ Các con hãy cho họ ăn”.( Mc. 6:37)

Ngài đã quan tâm, lo lắng chăm sóc cho dân chúng không những của ăn tinh thần mà còn của ăn thân xác.

“Các con hãy cho họ ăn”

Đó là lời Chúa nhắc nhở các môn đệ thực hành nhiệm vụ của mình; đồng thời cũng giao trách nhiệm cho các ông lo cho dân chúng ăn; các ông là người đóng vai trò chủ động trong việc chăm lo ăn uống cho dân chúng: “ Họ chẳng cần phải đi, các con hãy cho họ ăn”.( Mt 14: 16) hay cùng với các ông, chia sẽ nhiệm vụ ấy khi Ngài hỏi Philipphê: “ Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn?” ( Ga. 6: 5). Thế nhưng thái độ của các môn đệ như thế nào?

Phải chăng là trốn tránh trách nhiệm khi đề nghị với Thầy: :“ Đây là nơi hoang địa mà giờ đã chiều rồi: xin Thầy giải tán dân chúng để họ vào các làng mạc mà mua thức ăn”( Mc. 6: 35)

Phải chăng là sợ hao tốn cực nhọc: :“ Chúng con phải đi mua hết hai trăm đồng bạc bánh để phát cho họ ăn ư?”( Mc.6: 37) hay“ Chúng con chỉ có 5 chiếc bánh và hai con cá, trừ phi chúng con phải đi mua thức ăn cho cho cả đám đông này”. ( Lc. 9:13)

Chưa một lần thấy Chúa hoá bánh ra nhiều , thì khi nghe Chúa bảo: “ Các con hãy cho họ ăn” như lần thứ nhất ở giữa hoang địa vắng vẻ thì các ông cảm thấy khó khăn bất lực là phải; nhưng đã một lần thấy Chúa hóa bánh ra nhiều chẳng những cho 5 ngàn người không kể đàn bà và con nít ăn no nê còn thu lại được 12 thúng đầy, sao các ông lại vẫn lập luận như cũ: “ Giữa nơi hoang điạ này, lấy đâu đủ bánh cho họ ăn?” ( Mc. 8: 4). Có lẽ đó là cách biện minh của các tông đồ và của cả chúng ta để tránh né khó khăn, để trốn tránh trách nhiệm trước những nhu cầu của người khác!

Phải lo cho hàng ngàn người không kể đàn bà và trẻ con ăn no giữa nơi hoang địa quả thật là một công việc khó khăn, vượt quá khả năng của các môn đệ. Thế nên các ông đã thú thật với Chúa:“ Chúng con lấy đâu cho đủ bánh trong hoang địa này mà cho ngần ấy dân chúng ăn no?” ( Mt. 15:33)

Nhưng cũng từ cái khó khăn, bất lực, bó tay của các môn đệ mà Chúa đã ra tay can thiệp: “Các con có bao nhiêu bánh?”.
Lần thứ nhất, có 5 chiếc bánh lúa mạch và hai con cá; lần thứ hai, có 7 tấm bánh và mấy con cá nhỏ. Nhưng từ cái “ít ỏi không thấm vào đâu ấy” lại thoả mãn được hàng ngàn người.

Cả bốn tác giả Tin Mừng đều thuật lại việc Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều nơi hoang địa lần thứ nhất; chỉ có thánh Matthêu và thánh Maccô ghi lại lần hóa bánh ra nhiều lần thứ hai. Lần thứ nhất, vỏn vẹn chỉ với 5 chiếc bánh và hai con cá của một em bé mà Chúa đã cung cấp cho 5 ngàn người đàn ông không kể đàn bà và con nít ăn no nê, còn thu lại được 12 thúng đầy bánh vụn. Lần thứ hai, cũng nơi hoang địa, với bảy chiếc bánh và mấy con cá nhỏ, Chúa đã cho 4 ngàn người, không kể đàn bà và con nít ăn no nê, còn thu lại được 7 thúng đầy. Lần nào cũng từ mấy chiếc bánh và mấy con cá mà Chúa đã làm ra nhiều để cho dân chúng theo Ngài ăn no nê.

Ân huệ của Thiên Chúa ban cho con người thật dồi dào!


“Người ta ăn rồi mà hãy còn dư”.

Chúa làm phép lạ không phải từ không ra có, mà từ cái có sẵn ít ỏi “ năm chiếc bánh và hai con cá” Ngài đã hóa ra nhiều để cho hàng người ăn no nê mà hãy còn dư.

Sư phong phú được tăng thêm nhờ sự chia sẻ, phân phát: từ ít ra nhiều.

Sự chia sẻ không phát sinh từ cái không có, nhưng từ cái có sẵn ít ỏi của chúng ta : năm chiếc bánh và hai con cá!
Cái gần như không có gì ấy là tài năng, hiểu biết , sức lực mà chúng ta có được do ân huệ Chúa ban. Chúng sẽ cạn kiệt, nếu chúng ta giữ lại cho mình, nhưng nếu đem ra phân phát rộng rãi, thì cái “gần như không có gì ấy” sẽ được gia tăng.
Cái có sẵn ít ỏi ấy là sự lo lắng quan tâm đến người khác, là lòng trắc ẩn, là “ chạnh lòng thương”.

“Có thực mới vực được đạo”. Đó là một thực tế cuộc sống; chính Chúa cũng đã xác nhận: “Người ta sống không nguyên bởi bánh, mà còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” ( Mt. 4:4).

Suốt ba năm giảng dạy, Chúa Giêsu cung cấp cho dân chúng của ăn tinh thần, nhưng Ngài cũng không quên nhu cầu vật chất của con người. Ngài luôn quan tâm đến hai nhu cầu ấy: chữa bệnh thân xác và chữa bệnh tinh thần, phân phát của ăn vật chất và bồi dưỡng thức ăn thiêng liêng…Tình thương và lòng trắc ẩn trước những nỗi khổ của con người đã thúc đẩy Ngài ra tay hành động.

Trách nhiệm mà Chúa giao phó cho chúng ta qua bài Tin Mừng hôm nay là: “ Các con hãy cho họ ăn”. Chúng ta đóng vai trò chủ động trong việc cung cấp cho dân chúng những nhu cầu thiết yếu của tâm hồn và thân xác; đàng sau, có Chúa trợ giúp.

Là môn đệ của Chúa Kitô, chúng ta cũng phải mang lấy những tâm tình của Thầy: phải có lòng trắc ẩn, biết “chạnh lòng thương”, biết quan tâm, lo lắng đến những đau khổ của anh em. Thể hiện những tâm tình ấy không phải chỉ nói: “ Tội nghiệp quá! Đáng thương quá!” mà phải bằng việc làm.

Quan tâm, lo lắng đến người khác để yêu thương giúp đỡ chứ không phải quan tâm lo lắng đến người khác để xoi mói hơn thua, để ganh tị, bêu xấu hạ nhục người khác để đưa mình lên.


Vào ngày phán xét, Chúa sẽ khen thưởng chúng ta rằng: “ Xưa Ta đói, các người đã cho Ta ăn” hay sẽ lên án chúng ta: “ Xưa Ta đói, các ngươi đã không cho Ta ăn”!


Lm Trịnh ngọc Danh

THỨ 2 SAU CHÚA NHẬT 17 THƯỜNG NIÊN NĂM CHẴN

THỨ 2 SAU CHÚA NHẬT 17 THƯỜNG NIÊN NĂM CHẴN
Gr 13,1-11; Mt 13,31-35




BÀI ĐỌC : Gr 13,1-11




1 ĐỨC CHÚA phán với tôi thế này : “Ngươi hãy đi mua một chiếc đai lưng bằng vải gai và thắt vào lưng. Nhưng đừng ngâm nước.” 2 Tôi đã mua chiếc đai lưng như ĐỨC CHÚA truyền và thắt vào lưng. 3 Có lời ĐỨC CHÚA phán với tôi lần thứ hai rằng : 4 “Ngươi hãy cầm lấy chiếc đai ngươi đã mua và đang thắt ở lưng. Hãy đứng dậy, đi đến Êu-phơ-rát và đem giấu trong một kẽ đá.” 5 Tôi đi giấu đai lưng ấy ở Êu-phơ-rát, như ĐỨC CHÚA đã truyền cho tôi. 6 Sau nhiều ngày, ĐỨC CHÚA lại phán với tôi : “Đứng dậy đi Êu-phơ-rát, lấy chiếc đai lưng Ta đã truyền cho ngươi giấu ở đó về.” 7 Vậy tôi đi Êu-phơ-rát, tìm và đem chiếc đai lưng từ nơi tôi đã giấu về ; nhưng này, chiếc đai lưng đã hư, không dùng vào việc gì được nữa. 8 Bấy giờ có lời ĐỨC CHÚA phán cùng tôi rằng : 9 “ĐỨC CHÚA phán thế này : Ta sẽ huỷ diệt thói kiêu hãnh của Giu-đa và thói kiêu hãnh lớn lao của Giê-ru-sa-lem như vậy. 10 Dân xấu xa này không chịu nghe lời Ta, cứ ngoan cố cứng lòng, chạy theo các thần khác mà làm tôi và sụp lạy chúng ; nó sẽ nên như chiếc đai lưng hoàn toàn vô dụng kia. 11 Vì, cũng như chiếc đai lưng người ta thắt ở lưng, Ta cũng thắt chặt cả nhà Ít-ra-en và nhà Giu-đa vào Ta như vậy, để chúng trở thành dân của Ta, dân đem lại cho Ta tiếng tăm, danh dự và vinh quang. Nhưng chúng đã chẳng chịu nghe. Sấm ngôn của ĐỨC CHÚA.

ĐÁP CA : Dnl 32

Đ. Thiên Chúa sinh ra ngươi, ngươi lại coi thường. (x c 18a)

18 Thiên Chúa là Núi Đá sinh ra ngươi, ngươi lại coi thường, ngươi quên Thiên Chúa, Đấng đã sinh ra ngươi. 19 Đức Chúa thấy vậy thì khinh miệt, vì con trai con gái Người đã trêu giận Người.
20 Người phán : “Ta sẽ ẩn mặt đi không nhìn chúng, để xem hậu vận chúng ra sao ; vì chúng là giống nòi tráo trở, những đứa con chẳng chút tín trung.
21 Chúng đã thờ các thần không phải là Thiên Chúa khiến Ta phải ghen tương, thờ những thần hư ảo
mà trêu giận Ta ; Ta sẽ dùng một dân không phải là dân khiến chúng phải ghen tương, dùng một dân tộc ngu si mà trêu giận chúng.


TUNG HÔ TIN MỪNG : Gc 1,18

Hall-Hall : Chúa Cha đã tự ý dùng Lời Chân Lý mà sinh ra chúng ta, để chúng ta nên như của đầu mùa trong các thọ tạo của Người. Hall.
TIN MỪNG : Mt 13,31-35

31 Đức Giê-su còn trình bày cho họ nghe một dụ ngôn khác. Người nói : “Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. 32 Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ lớn nhất ; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được.”

33 Người còn kể cho họ một dụ ngôn khác : “Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.”

34 Tất cả các điều ấy, Đức Giê-su dùng dụ ngôn mà nói với đám đông ; và Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn, 35 hầu ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ : Mở miệng ra, tôi sẽ kể dụ ngôn, công bố những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa.


CHÂN DUNG VÀ SỨ MỆNH NGƯỜI CÔNG GIÁO
Đức Giêsu dùng hai hình ảnh “hạt cải gieo trong ruộng” và “men vùi vào ba đấu bột” để diễn tả chân dung và sứ mệnh của Ngài, của Hội Thánh, cũng là của mỗi người Công Giáo. Nói tắt là để diễn tả mầu nhiệm Nước Thiên Chúa.

I. CHÂN DUNG ĐỨC GIÊSU NHỎ BÉ VÌ NGÀI TỰ HIẾN CẢ THÂN XÁC, CẢ DANH DỰ, VÌ YÊU LOÀI NGƯỜI.

Đức Giêsu tự trở nên nhỏ bé như hạt cải và khiêm tốn ẩn mình như men trong bột, trong tinh thần tự hiến vì yêu loài người. Chúng ta cứ chiêm ngưỡng Ngài trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, Ngài chấp nhận nhỏ bé vì thân xác bị bóc lột và danh dự bị chà đạp:

1. Đức Giêsu nhỏ bé vì thân xác Ngài bị bóc lột.

- Không còn mảnh vải che thân, vì bị lính Roma lột hết.
- Không còn miệng để loan báo Tin Mừng, vì bị các đầy tớ của thượng tế vả đến “phù mỏ” (x Ga 18,22).
- Không còn khối óc để nghĩ kế cứu loài người tội lỗi, vì đầu Ngài bị vòng gai nhọn ghim chặt thay thế cho vương miện.
- Không còn đôi chân bước đến phục vụ người đau khổ, vì bị đinh ghim chặt vào cây gỗ.
- Không còn đôi tay để ban phát muôn ơn cho con người, vì bị đinh đóng thủng.
- Không còn trái tim để yêu thương cả bạn lẫn thù, vì bị chúng đâm thủng, nước và máu trong tim dốc ra hết.

2. Đức Giêsu nhỏ bé vì danh dự Ngài bị chà đạp.

Người ta giết Đức Giêsu chỉ vì họ liệt Ngài vào loại người :

  • Kẻ bị họ hàng kết án là khùng điên (x Mc 3,21).
  • Kẻ lạc đạo như quân Samari bị quỷ ám (x Ga 8,48).
  • Kẻ lộng ngôn phạm thượng đến Thiên Chúa (x Mt 26,65).
3- Nhất là Thân Thể Mầu Nhiệm Chúa Kitô là Hội Thánh, tội lỗi còn nhen lên nơi những người Đức Giêsu đã mua chuộc bằng giá Máu mình.

Tội không chỉ xảy ra nơi cá nhân mà còn cả trong cơ cấu phẩm trật Hội Thánh :

a- Tội lỗi, Satan, vẫn còn tấn công người Chúa tuyển chọn.

- Ông Phaolô thú nhận tội lỗi của mình với giáo đoàn Roma : “ Tôi biết rằng sự thiện không ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi. Thật vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7,18-19).

- Ông cũng thú nhận tội lỗi với giáo đoàn Côrinthô : “Để tôi khỏi tự cao tự đại vì những mặc khải phi thường tôi đã nhận được, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Xa-tan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại. Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này. Nhưng Người quả quyết với tôi : “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.” Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Ki-tô ở mãi trong tôi” (2Cr 12,7-9).

Chúa cho phép Satan tấn công người Chúa chọn như thế, vì “Thiên Chúa đã dồn mọi người hết thảy vào đàng bất tuân, ngõ hầu Người dủ lòng thương hết mọi người” (Rm 11,32), để “danh ngươi được ban cho từ Thiên Chúa “vinh quang của lòng thương xót” (Br 5,4).

b- Tội lỗi còn nảy sinh ngay trong cơ cấu phẩm trật của Hội Thánh, khốn nạn nhất là suốt ba mươi chín năm (1378 – 1417), có ba Hồng y tranh ngôi Giáo hoàng, một ở Pháp lấy Avignon làm thủ đô Hội Thánh, một ở Bỉ lấy Pisa làm thủ đô, một lấy Roma làm Thánh đô Giáo Hội. Bởi thế Hiến Chế Hội Thánh số 8 nói về sự khiêm tốn của Hội Thánh Chúa Kitô : “Hội Thánh tuy thánh thiện vì Chúa Kitô là Đầu, nhưng Hội Thánh còn ôm ấp những tội nhân trong lòng, nên luôn phải sám hối và canh tân”.

Vì tất cả những tội lỗi của loài người làm cho Đức Giêsu cũng như Thân Mình Mầu Nhiệm của Ngài trở nên nhỏ bé là nguyên nhân người ta giết Đức Giêsu. Ông Nicôđêmô từ ngày được thụ giáo với Đức Giêsu (x Ga 3), ông luôn tìm cách bênh vực Ngài trước mặt các Thượng tế và Biệt phái muốn giết Ngài, ông nói : “Há Luật của chúng ta lại lên án người nào trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì ?”(Ga 7,51). Vì ông đã đặt hy vọng vào Ngài cứu Israel thoát ách thống trị đế quốc Roma. Thế mà Ngài đã bị giết, làm ông vỡ mộng, ông đến xin ông Philatô lãnh “xác hạt giống” này đem chôn vào lòng đất (x Ga 19,39). Ngờ đâu ông Nicôđêmô an táng Đức Giêsu chính là chôn niềm tin của ông vào lòng đất, thì chỉ ba ngày sau “Hạt Giống” ấy chỗi dậy đến thổi hơi vào các môn đệ và ban Thánh Thần cho (x Cv 2 ; Ga 20,22). Thế là các ông được biến đổi thành những mảnh đất mầu mỡ thích hợp để gieo hạt giống Lời Chúa mọc lên và phát triển cho muôn dân được nương nhờ, dù trước đó Đức Giêsu đã xếp các ông vào loại đất tồi tệ : đường đi, sỏi đá, bụi gai, không thể làm cho hạt giống mọc lên được (x Mt 13,18-23). Vậy “hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ” (Tv 105/104,1a : ĐC năm lẻ).

Thế mà xưa kia dân Do Thái lại bỏ Thiên Chúa mà thờ bê vàng do chúng đúc ra. “Ông Môsê khi từ trên núi đi xuống, trên tay cầm hai tấm bia Chứng Ước, ông thấy con bê và những người đang nhảy múa. Ông nổi cơn thịnh nộ : ông ném các tấm bia đang cầm trong tay và đập vỡ dưới chân núi, ông lấy con bê họ đã làm đốt đi, tán nhuyễn ra, rắc lên mặt nước,rồi bắt con cái Israel phải uống, rồi ông Môsê trở lại với Chúa và thưa : “Than ôi dân này đã phạm một tội lớn! Họ đã làm cho mình một tượng thần bằng vàng! Nhưng bây giờ, ước gì Ngài miễn chấp tội họ, bằng không thì xin Ngài xóa tên con khỏi Cuốn Sách Ngài đã viết”. Nhưng Chúa phán : “Kẻ nào phạm tội, kẻ ấy phải mang án” (x Xh 32,15-24.30-34 : Bài đọc năm lẻ).

II. HỘI THÁNH CHÚA KITÔ LÀ Ô DÙ CHO THẾ GIAN.

Đức Giêsu nói : “Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ lớn nhất ; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được.” Người còn kể cho họ một dụ ngôn khác : “Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba đấu bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.” (Mt 13,31-33 : Tin Mừng).

1/ Hội Thánh nhỏ như hạt cải nhưng khi phát triển lại là nơi nương thân cho muôn dân.

Quả thật, hơn hai mươi thế kỷ nay, Hội Thánh luôn là ô dù che chở muôn dân

  • Nhờ sáng kiến của Đức Giáo hoàng Grégorio XIII (1505-1583) mà thế giới có chung một niên lịch, khởi đi từ ngày Con Chúa giáng trần
  • Nếu không có thày Dòng Guion (955 – 1050) lấy nốt nhạc từ bài kinh tiếng La Tinh, thì làm sao ngành âm nhạc của thế giới được phát triển như hôm nay.
  • Ngay tại Việt Nam, nếu đạo Công Giáo không có mặt, thì làm sao dân tộc ta có được chữ viết như ngày nay.
Gần chúng ta nhất :

  • Mẹ Têrêsa Calcutta là người phụ nữ nhỏ bé, lại được nhiều cường quốc trên thế giới xin mẹ làm công dân danh dự, để mẹ là người mẫu cho loài người biết thương yêu nhau. Nhưng nếu mẹ Têrêsa không được bón tưới bằng chính Lời và Máu Thịt Chúa Giêsu, thì chắc chắn cũng chẳng ai biết đến mẹ.

- Nếu không có Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II, liệu thế giới ngày hôm nay có thoát khỏi thảm họa “nhuộm đỏ” do lý thuyết Mác-Lê? Mặc dù Đức Giáo hoàng chẳng mạnh về kinh tế, chẳng cậy dựa vào vũ khí, nhưng được nhờ ở riêng với Chúa Giêsu – nghe Lời và ăn Thịt Máu Ngài.

2/ Hội Thánh như men trong bột.

Đức Giêsu nhắc đến : “Chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba đấu bột, cho đến khi tất cả bột dậy men” (Mt 13,33 : Tin Mừng).

Chuyện này Đức Giêsu có ý cho chúng ta nhớ lại lòng nhân ái của bà Sara tiếp đón ba người khách lạ ghé thăm gia đình bà, bà Sara lấy ba đấu bột làm bánh đãi khách, nhờ lòng nhân ấy Chúa cho vợ chồng Abraham và Sara sinh con trong lúc tuổi già (x St 18,9-14), để rồi từ ông Isaac, con ông bà Abraham và Sara trở thành tổ phụ Đấng Cứu Thế. Quả thật, Chúa Cha đã ban Con Một Người cho nhân loại, ai tin vào Người Con ấy, thì không phải chết, nhưng được sống muôn đời (x Ga 3,16). Sự sống mới này là nơi con người tội lỗi được sinh lại bởi Chúa Giêsu trở nên dưỡng tử của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu, như Ngài đã biến đổi sói Saulô trở thành Tông Đồ Phaolô làm vinh danh Chúa, không thua các Tông Đồ thượng đẳng (x Cv 7-9 ; 2Cr 11,5). Chúa đã dùng ông tập họp muôn dân về nương ẩn dưới bóng “Cây Cải Giêsu”. Chân lý này còn hơn men làm dậy bột, miễn là ta phục vụ với lòng yêu mến như bà Sara đón ba khách lạ vào nhà vui vẻ phục vụ.

Ba khách lạ ghé thăm gia đình Abraham chính là Thiên Chúa Ba Ngôi, nhờ Ngài mà sự sống của gia đình này được tồn tại : người con được sinh ra ; nếu không ông bà Abraham và Sara mục nát như chiếc dây lưng của ngôn sứ Giêrêmia sau thời gian ông cất giấu trong hang, theo Lời Chúa dạy, nó đã bị mục nát, có nghĩa là nếu ông thắt dây ấy vào lưng thì nó đã tồn tại. Hình ảnh dây lưng ra mục nát Chúa dùng để nói với nhà Israel và nhà Giuđa phải từ bỏ tội lỗi mà trở về đường ngay nẻo chính, bám vào Thiên Chúa, thì được sống, chứ không ra mục nát như chiếc dây lưng của ông Giêrêmia (x Gr 13,1-11 : Bài đọc năm chẵn). Vì “Thiên Chúa sinh ra ngươi, ngươi lại coi thường” (Dnl 32,18a : ĐC năm chẵn).

Bởi thế, chúng ta cứ phải bám chặt lấy Chúa Giêsu Thánh Thể, nghĩa là hằng ngày hiệp dâng Thánh Lễ, thì ta giữ được cả hồn lẫn xác không mục nát trong Âm Phủ, nhưng được sống hạnh phúc muôn đời trong Chúa Giêsu, vì “Chúa Cha đã tự ý dùng Lời Chân Lý mà sinh ra chúng ta, để chúng ta nên như của lễ đầu mùa trong các thọ tạo của Người” (Gc 1,18 : Tung Hô Tin Mừng).

THUỘC LÒNG

Ai có Chúa Giêsu thì sống, kẻ không có Chúa Giêsu là chết! (1Ga 5,12)


http://phaolomoi.net
Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH

Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2012

GIÁO XỨ BẾN DINH MỪNG ĐÓN SỨ THẦN TÒA THÁNH ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC LEOPOLDO GIRELLI

GIÁO XỨ BẾN DINH MỪNG ĐÓN SỨ THẦN TÒA THÁNH

ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC LEOPOLDO GIRELLI

11.07.1012





TGM Leopoldo Girelli




Theo dự kiến sáng hôm nay11.7.2012 Đức TGM Leopoldo Girelli Đại Diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam, sẽ đặt chân tại Giáo Xứ Bến Dinh. Với buổi sáng sớm bầu trời mát mẻ,các em Thiếu Nhi Thánh Thể và Bà Con trong Giáo Xứ đến rất sớm để chuẩn bị chào đón Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli và Đức Cha PhaoLô Bùi Văn Đọc cùng các Quý Cha của 2 Giáo Hạt Cù Lao Tây & Cao Lãnh thuộc tỉnh Đồng Tháp đến dâng Thánh Lễ Tại Giáo Xứ Bến Dinh.




Đây là dài hình ảnh Buổi Sáng Sớm tại Giáo Xứ Bến Dinh













Sáng ngày 11.07.2012, Cha Hạt Trưởng Giáo Hạt Cù Lao Tây Giuse Trương Hoàng Hân cùng với Cha Phó Hạt Trưởng I-nha-xi-ô Võ Viết Chuyên, đã hướng dẫn các Cha sở, Cha phó và giáo dân trong Giáo hạt mừng đón Đức Tổng Giám mục (TGM) Leopoldo Girelli là Sứ Thần Tòa Thánh tại Singapore, kiêm Khân Sứ Tòa Thánh tại Malaysia và Brunei, và là Đại Diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam. Đây là lần thứ 6 Đức TGM Leopoldo Girelli viếng thăm Giáo Hội Việt Nam, và là lần đầu tiên Ngài đến thăm Giáo Xứ Bến Dinh nói riêng và cộng đoàn dân Chúa trong tỉnh Đồng Tháp nói chung.

Sáng sớm ngày 11.07.2012. Đức TGM Leopoldo Girelli cùng với Đức Giám Mục Giáo Phận Mỹ Tho Phaolô Bùi Văn Đọc và phái đoàn viếng thăm Giáo Xứ bến Dinh, khi đi ngang qua Tp. Cao Lãnh thì các Đức TGM đã dừng chân tại Giáo Xứ Cao Lãnh và dùng điểm tâm sáng tại đó. Tiếp tục hành trình viếng thăm cộng đoàn dân Chúa. Đúng 09h00 Đức TGM và phái đoàn đi cùng đã đặt chân tới bến đò (Phà) An Long, tại đây có Cha An-Tôn Nguyễn Văn Tiến là Cha sở Giáo Xứ An Long đón chào và thuê một chiếc Phà riêng để đưa phái đoàn qua sông Tiền đến Cù Lao Tây. Mặc dù sông xa, chiếc Phà nhỏ bé nhưng Đức TGM không ngần ngại nguy hiểm mà còn hiên ngang, vững tin mà bước xuống Phà để tiến về cộng đoàn dân Chúa nơi xa xôi hẻo lánh,bên này sông có Cha Phó Hạt Trưởng I-nha-xi-ô Võ Viết Chuyên cùng với Giáo dân Giáo Xứ An-Rê chào đón và tháp tùng dẫn đưa Đức TGM đến Giáo Xứ Bến Dinh.






Dưới đây là hình ảnh Cộng Đoàn Giáo xứ AnRê đón rước Đức Tổng Giám Mục ( TGM ) và Đức Cha cùng phái đoàn đi cùng các ngài.























Từ bến đò An Long về đến Giáo Xứ Bến Dinh hơn 5 km, giáo dân treo những mãnh vãi đủ màu sắc rực rỡ để chào đón Đức TGM, càng ấm áp và hạnh phúc hơn khi Đức TGM vừa cặp bến đò thì giáo dân trong họ chào đón Ngài bằng cả một đoàn xe Hon Đa. Vào lúc 9 giờ 30 phút thì Đức TGM Leopoldo Girelli, vị Đại Diện tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam, đã đặt chân trước cổng Giáo Xứ Bến Dinh thuộc Giáo Phận Mỹ Tho. Các em thiếu nhi Thánh Thể của Giáo Xứ tập trung hơn 350 em và xếp thành hai hàng để chào đón Đức TGM. Nhìn khuôn mặt hân hoan chào đón Đức TGM của các em thật dể thương và đáng yêu: Áo trắng đồng phục đeo khăn thiếu nhi Thánh Thể, đầu đội nón màu vàng, tay cầm sí bùm bum tung hứng.
Bước đi giữa hai hàng thiếu nhi Thánh Thể, Đức TGM Leopoldo Girelli tươi cười hớn hỡ và vẫy tay thân chào mọi người, mọi người vỗ tay reo mừng trong tiếng trống kèn dồn dập của Cha sở giáo xứ Fatima Hen-ry Nguyễn Văn Ký. Tất cả mọi người vừa nhìn thấy Ngài thì ùa nhau chen lấn đển để được nhìn thấy Ngài, có người vì quá mến yêu nên vượt qua hàng rào các em thiếu nhi Thánh Thể để được chạm tay vào người Của Ngài với ước nguyện trong lòng muốn được giải thoát. Đi đến cuối hàng rào Thiếu Nhi Thánh Thể là Thánh Đường Thánh Gia, tai đây Ngài và Đức Cha Phao Lô cùng với phái đoàn viếng Chúa sau đó Ngài gặp gỡ các Cha, Tu sĩ và toàn thể cộng đoàn dân Chúa. Ngài cảm ơn mọi người tụ họp lại đây rất đông, Ngài mời gọi mọi người sống theo gương yêu thương của Chúa và Ngài chúc phúc cho công việc lẫn mùa màng.




Hình Ảnh Đức TGM Leopoldo Girelli đến giáo xứ Bến Dinh








Em Huynh Trường Thiếu nhi Thánh thể đeo vòng hoa cho TGM Leopoldo Girelli
























Vài Hình Ảnh trước làm Phép Đài Đức Mẹ và Thánh Lễ










Sau buổi gặp gở thì Đức TGM đi về nhà xứ để chuẩn bị nghi thức làm phép tượng Đài Đức Mẹ và dâng thánh lễ đồng tế tại Lễ Đài. Đúng 10 giờ, Thánh lễ đồng tế bắt đầu với nghi thức làm phép Tượng Đài Đức Mẹ Tà Pao Tượng đài cao 3,4 m tính từ chân đến đầu, toàn bộ Lễ Đài có chu vi 100m vuông và mặt nền cao 1,7m. Đức TGM chủ sự Thánh lễ, đồng tế với ngài có Đức Cha Phaolô, Cha Tổng Đại Diện Phaolô, Đức Ông Phêrô,2 Cha Hạt Trưởng Cao Lãnh và Cù Lao Tâyvà 39 linh mục và một số Nữ Tu dòng Chúa Quan Phòng cùng với quý Thầy Đại Chủng Viện Thánh Giu Se sài Gòn thuộc Tĩnh Đồng Tháp,giáo dân trong và ngoài 2 giáo hạt Cù Lao Tây và giáo hạt Cao Lãnh còn có giáo dân thuộc giáp phận Long Xuyên đến tham dự với nhiều ước lượng là hơn 10.000 người. Lợi dụng diệp giáo dân đi tham dự thánh lễ đông đảo có nhiều kẻ xấu trà trộn vào, kết quả là phát hiện và bắt được 2 đối tượng giật dây chuyền và 1 đối tượng móc túi. Quả thật, đây là nơi tôn nghiêm, Thiên Chúa và Mẹ Maria không cho phép kẻ xấu ngang nhiên và tùy ý muốn. qua 3 vụ việc này làm cho cộng đoàn dân Chúa đặt thêm niềm tin vào thiên Chúa hơn và thêm lòng quyết tâm sống đạo và thực thi Thánh Ý Chúa mõi ngày càng mạnh mẽ.







Bước Vào làm Phép Tượng Đài và Thánh Lễ

















Làm Phép Tượng Đài Đức Mẹ


Nhập Lễ












Nội dung của bài giảng, Đức TGM đã ca ngợi mãnh đất Cù Lao Tây thật hạnh phúc vì được nhiều ơn gọi, Ngài nhắc đến 12 Thánh Tông Đồ là trọng tâm, theo sau là giáo hội mà Chúa Giê-su đã thành lập và muốn chúng ta biết chương trình cứu đô của Chúa qua sự hy sinh trên Thánh Giá, Người là đầu và chúng ta là chi thể của Người. Sau thành lễ Đức TGM nhắc đến “nước” trên con sông mà Ngài đã đi ngang, làm Ngài nhớ đến Bí Tích Rửa Tội, Ngài nói “ chính nhờ dòng nước anh em mới được thanh tẩy, anh em đã hòa mình vào dòng nước ấy”.








Sau bài giảng, có 4 giáo dân đại diện cho cộng đoàn xướng các lời nguyện chung. Rồi Thánh lễ tiếp tục như thường lệ với phần Phụng vụ Thánh Thể. Đặc biệt, trong lời chào của Kinh Tiền Tụng và lời chào trước khi chúc bình an thì Đức TGM Leopoldo Girelli đọc bằng tiếng Việt. Các phần còn lại thì Đức Cha Phaolô cử hành.






































Sau lời nguyện Hiệp lễ,chủ tịch ban Mục Vụ hội Đồng giáo xứ đại diện cho giáo dân Giáo xứ Bến Dinh nói riêng và 2 Giáo Hạt nói chung tri ân Đức TGM với những tâm tình đơn sơ nhưng thật chân thành và sâu sắc của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long. Sau những lời cám ơn của Vị Đại Diện, hai bạn trẻ mang hoa và quà dâng cho Đức TGM. Món quà được mở ra ngay cho thấy một bức tranh thêu rất đẹp diễn tả một cảnh đồng quê đặc trưng Nam Bộ.
















Đức TGM bài tỏa tấm lòng vì hai món quà của cộng đoàn dân Chúa kính dâng lên Ngài, sau đó Ngài thay mặt Đức Thánh Cha ban phép lành Tòa Thánh cho mọi người và chụp hình lưu niệm cho đến 12 giờ thì ngài mới dùng cơm trưa cùng Đức Cha và Quý Cha với niềm vui vẽ và thân mặt.
































(Trích nguồn bài viết LM. Giuse Nguyễn Tuấn Hải và Têrêsa Mai An ) Sau cơm trưa, Đức Giám Mục Giáo phận trở về Tòa Giám Mục vào lúc 13g00. Trên đường về, Đức TGM và phái đoàn tiện ghé thăm vài nhà thờ như: Thánh Anrê và Tân Quới gần nhà thờ Bến Dinh; nhà thờ An Long và Tân An thuộc Hạt Cao Lãnh.
Đức TGM và phái đoàn về đến Tòa Giám mục vào lúc 18g30 kết thúc ngày viếng thăm mục vụ tỉnh Đồng Tháp. Đức TGM ăn tối cùng Đức Cha Phaolô và quí Cha tại Tòa Giám mục Mỹ Tho rất ấm áp, thân tình và vui vẻ.


Nguồn : GX Bến Dinh