Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2011

Chương trình ca nhạc tại giáo xứ bến Dinh 30/10/2011

hôm nay 30 tháng 10 năm 2011 tại Giáo xứ Bến Dinh có chương trình Ca Nhạc đặc biệt Ủng Hộ Người Nghèo với chủ đề

Tình Chúa Tình Người



Có sự góp mặt của các Ca Sỹ Công Giáo như : Phi Nguyễn-Hoàng Hiệp-Quyết Thắng-Trần Mạnh-Đức Thiện-Kim Cúc-Diệu Hiền-Anh Phương...Cùng Nhóm Nhảy Giêsu Love và sự góp mặt đặc biệt cùa ảo thật gia Z.26.

Trong đêm văn nghệ hôm nay Giáo xứ chúng con có chương trình bốc thâm trúng thưởng và nhiều phần quà rất giá trị,với 5 ngàn vé xố phát hành gần 1 tháng nay,mà các em thiếu nhi Thánh Thể bán cho bà con trong Giáo Xứ và các Giáo Xứ lân cận. Dưới đây là vài hình ảnh hậu trường chuẩn bị Đại Nhạc Hội đêm nay.















































Nguồn: Giáo xứ Bến Dinh

Bài viết : Phêrô Quý Huỳnh Trọng Nghĩa

trích : http://longchuathuongxot.net



sau đây là hình ảnh tổng dợt áp chót






























Thứ Hai, 24 tháng 10, 2011

25/10 – Chân phước Antôniô de SantAnna Galvao, Linh mục (1739-1822)



25/10 – Chân phước Antôniô de SantAnna Galvao, Linh mục (1739-1822)





Ngài sinh tại Guarantingueta, gần São Paulo (Brazil), ngài vào Dòng Tên ở Belem nhưng sau đó chuyển sang Dòng Phanxicô. Mặc áo dòng năm 1760, khấn trọng năm 1761 và thụ phong linh mục năm 1762.
Tại São Paulo, ngài giảng thuyết, giải tội và gác cổng. Sau vài năm, ngài được bổ nhiệm làm người giải tội cho Nhà tĩnh tâm của thánh Teresa Avila – đó là một nhóm nữ tu. Ngài và nữ tu Helena Maria Chúa Thánh Thần thành lập một dòng nữ mới dưới sự bảo trở của Đức Mẹ Thụ thai Chúa quan phòng (Our Lady of the Conception of Divine Providence). Nữ tu Helena Maria qua đời vào năm sau, LM Antôniô một mình chịu trách nhiệm dòng mới này, nhất là việc xây dựng tu viện và nhà nguyện cho phù hợp với số nữ tu tăng dần.
Ngài làm giáo tập cho các tu sĩ ở Macacu và là người trông coi tu viện Thánh Phanxicô ở São Paulo. Ngài còn thành lập tu viện Thánh Clara ở Sorocaba. Dược phép của bề trên giám tỉnh và giám mục, ngài sống những ngày cuối đời tại Recolhimento de Nossa Senhora da Luz, tu viện của các nữ tu mà ngài đã giúp thành lập. Ngài được chân phước GH Gioan Phaolô II phong chân phước tại Rôma ngày 25-10-1998.

Sứ vụ giới trẻ trong việc tái rao giảng tin mừng


Hãy nỗ lực để dẫn những người trẻ quay về với Chúa Kitô!



Sứ vụ giới trẻ trong việc tái rao giảng Tin Mừng



Suy tư nhân Ngày Thế giới Truyền giáo


(EMTY) - Gần đây, một số cụm từ như “truyền giáo, tái truyền giảng Tin Mừng, tân Phúc Âm hoá…” được nhắc đến trong bối cảnh cội nguồn Kitô giáo tại một số quốc gia, châu lục đang bị xói mòn do các trào lưu thế tục, hưởng thụ lấn lướt. Đức Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã từng cảnh báo về mối nguy của nền “văn hoá sự chết” do sự xa rời nền tảng Kitô giáo, và Đức đương kim Giáo hoàng Bênêđictô XVI không ngừng cổ vũ cho việc “tái truyền giảng Tin Mừng”.

Nền “văn hoá sự chết” không phải là chuyện xảy ra ở nơi góc biển chân trời nào mà nhan nhản ngay tại quê nhà, khi mà “lương tâm giá bèo hơn lương thực!”, đạo đức suy đồi, giáo dục bất cập, y đức bị xem nhẹ, nạn phá thai tràn lan! Một tầng lớp “tương lai của xã hội” đang đi vào và ngụp lặn trong nền “văn hoá sự chết” là một hệ luỵ bi thương. Lời mời gọi khẩn thiết để khôi phục lương tâm, đạo đức và niềm tin Kitô giáo chính là sứ vụ “tái truyền giảng Tin Mừng”.


Vậy, “truyền giáo” là gì?

Truyền giáo là sứ vụ trung tâm của Giáo Hội. Đức Giáo hoàng Phaolô VI nói: “Giáo Hội tồn tại để truyền giáo”. Tài liệu “Go and Make Disciples - Hãy đi và trở thành những môn đệ” của Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ mô tả việc truyền giáo là “đem Tin Mừng Chúa Giêsu vào mỗi hoàn cảnh của con người và mong mỏi biến đổi các cá nhân và xã hội nhờ quyền lực thần linh của chính Tin Mừng. Bản chất của truyền giáo là công bố ơn cứu độ nhờ Chúa Giêsu Kitô và sự đáp trả của một con người trong đức tin, cả hai đều là công việc của Thần Khí Thiên Chúa”. Việc truyền giáo tốt nhất chính là loan truyền và làm chứng nhân cho Tin Mừng.


Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã thường xuyên nói đến việc cần thiết về một công cuộc “tân Phúc Âm hoá”. Còn Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI thì nói rằng truyền giáo có nghĩa là giới thiệu một “nghệ thuật sống - art of living”. Nếu truyền giáo là một “nghệ thuật” thì những nghệ nhân truyền giáo chính là những vị thánh. Các thánh là hình ảnh thật đẹp. Cuộc sống của các ngài đầy thuyết phục và hấp dẫn. Đức Gioan Phaolô II và Bênêđictô XVI đã khuyến khích những người trẻ của thế giới trở thành những vị thánh của công cuộc tân Phúc Âm hoá. Mục đích của những lần tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới hẳn không còn xa lạ.


Về bản chất, truyền giáo mới không “mới” ở nội dung, nhưng mới trong cách truyền đạt và cách làm nhân chứng trong thời hiện đại. Tuy nhiên, về cơ bản, công cuộc “tân Phúc Âm hoá” có nghĩa là mở ra nguồn khôn ngoan của Giáo Hội, đã có từ hơn 2.000 năm nay, cho những người của thời đại ngày nay, để giới thiệu cho họ những gì Giáo Hội đã chỉ dẫn để sống một cuộc sống đầy ý nghĩa và có được nguồn hạnh phúc đích thực. Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI nhắc nhở chúng ta rằng “nghệ thuật sống này chỉ có thể được truyền đạt từ một Con Người là Nguồn Sự Sống - Người mà Tin Mừng nêu danh - chính là Chúa Giêsu Kitô”.


Ngày nay, những gì thế giới cần là có thêm những vị thánh!


Sứ vụ Giới trẻ (Youth Ministry) là một hoạt động truyền giáo. Mục tiêu của chúng ta là rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho những người trẻ; không phải chỉ vì chúng ta thích và tín nhiệm sứ vụ này, nhưng vì chúng ta xác tín rằng những người trẻ có quyền được nghe Tin Mừng và chúng ta có nghĩa vụ chia sẻ với họ.


Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II thường nói về “văn hoá sự chết”. Thanh thiếu niên ngày nay có lẽ là “thị trường” béo bở cho một nhóm người trong lịch sử nhân loại. Họ đang bị bủa vây bởi nhiều thông điệp khác nhau. Có nhiều tiếng nói đã đánh lạc sự chú ý của họ. Có nhiều hệ tư tưởng, triết lý, thế giới quan và nhân sinh quan trái ngược với Tin Mừng, với sự sống đích thực và với mục đích tối thượng của họ. Thanh thiếu niên của chúng ta cần tiếp xúc nhiều với Tin Mừng hơn là chỉ 1 giờ mỗi tuần.


Sứ vụ Giới trẻ cần được ưu tiên để dẫn đưa thanh thiếu niên đến với Chúa Kitô, không chỉ đơn thuần qua lý thuyết trừu tượng hay cảm tính, mà là đến với một Chúa Kitô thật, Đấng khai sinh Giáo Hội và hiện diện trong đời sống của Giáo Hội và các Bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể. Sứ vụ Giới trẻ phải giúp đào tạo người trẻ và qua họ đổi mới nền văn hoá cho giới trẻ hiện đại, từ nền “văn hoá sự chết” thành nền “văn hoá sự sống” và “văn minh tình thương”.


Hãy nỗ lực để dẫn những người trẻ quay về với Chúa Kitô!






Hùng Nguyễn

Gặp gỡ chúa giêsu nơi những tình yêu khiêm nhường

Gặp gỡ Chúa Giêsu nơi những tình yêu khiêm nhường



Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4,8).

Đó là Lời Chúa. Tôi tin Lời ấy. Lời ấy đã ứng nghiệm nơi tôi. Nên tôi xin nói thêm: Không những tôi tin, mà tôi đã cảm nghiệm được niềm tin ấy một cách sâu sắc. Một thứ cảm nghiệm giống như một gặp gỡ sống động.

Xin phép được chia sẻ vài loại gặp gỡ như thế. Ở đây tôi sẽ không nói về những gặp gỡ trong các bí tích, trong cầu nguyện và suy gẫm. Nhưng sẽ chỉ nhấn mạnh đến những gặp gỡ qua những con người giàu tình yêu khiêm tốn.

1. Tôi gặp được Chúa nơi những ai rung động trước cảnh khổ đau của con người

Đọc Phúc Âm, tôi thấy Chúa Giêsu gần gũi những người bệnh tật. Người cảm động trước cảnh bà goá thành Naim khóc thương con mình (x. Lc 7,11-17). Người nghiêng mình xuống gọi người đàn bà còng lưng nghèo khó để chữa lành cho bà (x. Lc 13,10-13). Người lắng nghe người mù ngồi ăn xin ở vệ đường và đã cho mắt anh được sáng (x. Lc 18,35-43). Người cúi mình xuống nói chuyện với người bại liệt nằm trên bờ hồ Bếtdatha đã 38 năm, và đã chữa anh khỏi tật bệnh (x. Ga 5,1-9).

Những cử chỉ như thế đã được Chúa Giêsu thực hiện thường xuyên. Tất cả đều nói lên tình yêu. Tình yêu đó rất khiêm nhường. Chính tình yêu khiêm nhường đã mạc khải về Chúa.

Nhìn thấy tình yêu khiêm nhường, người ta dễ nhận ra Chúa là Tình Yêu. Yêu thương mà khiêm nhường, thế mới là tình yêu đạo đức. Càng khiêm nhường trong yêu thương, càng chứng tỏ một sức thiêng đến từ Thiên Chúa.

Số người yêu thương khiêm tốn đối với những kẻ khổ đau hiện nay không phải là ít.

Bản thân tôi nhiều khi giống như người bại liệt, đau đớn cả nơi thân xác lẫn trong tâm hồn. Bất ngờ có những tiếng gọi, quen và không quen. Những tiếng gọi ấy gởi tới nhiều khích lệ. Những tiếng gọi ấy đã làm tôi như được chữa lành. Đó là những tình yêu rất khiêm nhường. Trong những tình yêu ấy tôi nhận ra Chúa, tôi gặp được Chúa là tình yêu. Xin hết lòng cảm ơn những tình yêu cao quý ấy.

2. Tôi gặp được Chúa nơi những ai từ bỏ mình, dấn thân phục vụ con người

Phúc Âm cho thấy: Thiên Chúa là tình yêu rất mực khiêm nhường, được mạc khải nơi Đức Kitô từ bỏ mình.

Đức Kitô nghèo khổ trong hang đá Bêlem, trong đời lao động vất vả ở Galilêa, trong cảnh nhục nhã đau đớn tột độ trên thánh giá. Với sự từ bỏ mình như thế, Đức Kitô đã mạc khải Thiên Chúa là Tình Yêu.

Thánh Phaolô viết: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây Thánh giá. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ, và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Pl 2,6-11).

Như thế, lộ trình mạc khải về tình yêu Chúa Cha là suốt cuộc đời từ bỏ mình của Chúa Giêsu. Qua lộ trình đó, Chúa Cha được giới thiệu, và chính Đức Kitô được quang vinh.

Lộ trình làm chứng như thế nay vẫn được nhìn thấy nơi nhiều cuộc đời xung quanh tôi. Họ thuộc đủ loại người. Có thể nói: Đời họ là chuỗi dài những hy sinh, chỉ vì mục đích cứu độ, phục vụ người khác theo gương Đức Kitô trên Thánh giá. Trong hy sinh có từ bỏ, có đớn đau, có yêu thương và hy vọng. Chính nhờ Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường hoạt động trong họ, mà họ có thể hy sinh đến như vậy.

Những cuộc sống như vậy đã làm chứng cho tình yêu khiêm nhường của Chúa. Một thứ khiêm nhường có sức cứu độ và thánh hoá.

3. Tôi gặp được Chúa nơi những ai xót thương kẻ tội lỗi

Phúc Âm có nhiều chỗ khiến tôi xúc động. Nhưng những chỗ ghi lại tấm lòng xót thương của Chúa Giêsu đối với những kẻ tội lỗi đã khiến tôi xúc động hơn hết. Chẳng hạn những lời Chúa phán và những việc Chúa làm sau đây:

Thầy không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9,13).

Ai có một trăm con chiên, mà có một con đi lạc, lại không để 99 con kia trên núi, mà đi tìm con chiên lạc sao? Và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó hơn là vì 99 con không bị lạc. Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất” (Mt 18,12-14).

Dụ ngôn người cha có hai người con đã chú ý đến người con hư đốn. Một đứa bỏ nhà ra đi sống đời phung phá. Một đứa ở lại ngoan ngoãn bên cha. Ngày nọ, đứa con phung phá nghĩ lại đã trở về. Người cha tỏ ra hết sức vui mừng, đón tiếp người con đó một cách âu yếm quảng đại. Thấy người con ngoan tỏ vẻ khó chịu, người cha đã nói: “Chúng ta phải ăn mừng và hoan hỷ, vì em con đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15,32).

Ngày nay, lòng xót thương của Chúa dành cho những kẻ tội lỗi vẫn được thực hiện, không những qua Bí tích Giải Tội, mà cũng qua những con người nhân hậu.

Kinh nghiệm cho thấy: nhân hậu với những kẻ tội lỗi không luôn dễ thực hiện. Nhất là khi kẻ tội lỗi thuộc loại hư hỏng, phá phách, cứng lòng, đi quá sâu vào con đường tồi tệ. Tự nhiên, người ta cảm thấy dễ bực bội, dễ xa tránh họ. Hoặc nếu gần, thì sẽ dễ mắng nhiếc họ, kết án họ, trút lên đầu họ những giận dữ, khinh khi.

Nhưng, bên cạnh những kinh nghiệm loại trừ đó cũng có những kinh nghiệm về những tấm lòng nhân hậu đầy tình xót thương. Họ cầu nguyện rất nhiều, đền tạ rất nhiều, đau khổ rất nhiều cho tội nhân, kèm với những lời khuyên tế nhị, đầy yêu thương. Chính sự khiêm nhường đó đã có sức thiêng cứu những người tội lỗi khỏi mặc cảm và thất vọng, đưa họ vào niềm vui, chứa chan hy vọng.

Riêng đối với tôi, tôi đã gặp được Chúa trong những tình yêu nhân hậu đầy khiêm tốn đó.

Lạy Chúa, nhờ Con Chúa hạ mình xuống, Chúa đã nâng đỡ loài người sa ngã lên” (Lời nguyện Nhập lễ, CN XIV TN), này con đây là kẻ sa ngã, xin thương xót con. Tình yêu khiêm nhường của Chúa Giêsu luôn là sức cứu độ con, luôn là chốn con nương tựa, luôn là trường học của con, luôn là sự sống dẫn đưa con về cõi trường sinh muôn đời.




+ Gm. G.B. Bùi Tuần

Các thánh là những người đã được luật mến chúa yêu người biến đổi thánh các mẫu gương



Các Thánh là những người đã được luật mến Chúa yêu người biến đổi thánh các mẫu gương đức tin



Các Thánh là những người đã được luật mến Chúa yêu người biến đổi thánh các mẫu gương đức tin cho chúng ta noi theo. Đức Thánh Cha Benêđictô XVI đã khẳng định như trên trong Thánh lễ Tôn phong hiển Thánh cho 3 Chân phước trước thềm Đền thờ Thánh Phêrô sáng Chúa Nhật 23-10-2011. Đó là Thánh Giám mục Guido Maria Conforti, Linh mục Luigi Guanella và Nữ tu Bonifacia Rodriguez de Castro.

Tham dự thánh lễ đã có hàng chục hồng y, các phái đoàn ngoại giao cạnh Toà Thánh và gần 50.000 tín hữu và du khách hành hương. Cùng đồng tế Thánh lễ với Đức Thánh Cha, ngoài vài hồng y, có gần 80 linh mục thuộc dòng Saveriani và dòng các Tôi Tớ Bác Ái.

Từ 7 giờ sáng, tín hữu đã sắp hàng chờ vào quảng trường dự lễ. Trong khi chờ đợi, họ đã nghe các văn bản trích từ bút tích của 3 Chân phước và hát thanh ca. Hình của 3 vị được treo trên ban công Đền thờ Thánh Phêrô: chính giữa là Đức cha Conforti, bên phải là Linh mục Guanella bên trái là Nữ tu Rodriguez de Castro.

Sau nghi thức thống hối, Đức Hồng y Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh, đã cùng với các thỉnh nguyện viên tiến lên giới thiệu tiểu sử 3 Chân phước và xin Đức Thánh Cha phong hiển Thánh cho các vị.

Đức cha Guido Maria Conforti sinh năm 1865 và qua đời năm 1931. Năm 1895, Cha Conforti thành lập dòng Truyền giáo Saveriani. Năm 1902, khi mới 37 tuổi, Cha được Đức Giáo hoàng Leô XIII chỉ định làm Giám mục Tổng Giáo phận Ravenna rồi Parma. Trong hơn 24 năm, Cha là một chủ chăn gương mẫu thánh thiện. Đức cha Conforti đã được Đức Gioan Phaolô II phong Chân phước năm 1996.

Linh mục Luigi Guanella sinh năm 1842 và qua đời năm 1915. Năm 1881, Cha được chỉ định làm Cha sở Giáo xứ Pianello Lario, và tại đây, Cha gặp một nhóm thiều nữ trợ giúp người nghèo, sau này sẽ trở thành dòng Nữ tử Thánh Maria Quan Phòng. Thánh Giáo hoàng Pio X giao cho Cha nhiệm vụ xây Nhà thờ kính Thánh Giuse qua đời. Cha chu toàn nhiệm vụ và thành lập Hội Thánh Giuse qua đời chuyên cầu nguyện cho những người hấp hối, và Đức Pio X là người đầu tiên ghi danh làm thành viên. Năm 1912, khi đã 70 tuổi, Cha sang Hoa Kỳ lo việc mục vụ cho người di dân Italia. Trở về Italia, Cha trợ giúp các nạn nhân động đất vùng Abruzzo và thành lập dòng Các Tôi Tớ Bác Ái, sau đó, Cha được chỉ định làm Giám mục Giáo phận Lugano, Thuỵ Sĩ.

Nữ tu Bonifacio Rodriguez de Castro, người Tây Ban Nha sinh năm 1837 và qua đời năm 1905. Năm 1874, cùng Cha Butinyà, chị thành lập dòng các Nữ Tôi Tớ Thánh Giuse chuyên trợ giúp các phụ nữ lao động nghèo. Chị bị Hàng Giáo sĩ Salamanca chống đối cho là điên khùng, và gặp rất nhiều khó khăn thử thách, nhục nhã, đến bị truất chức bề trên, nhưng chị không hề mở miệng kêu ca than vãn, vẫn vui vẻ, tha thứ, nhẫn nhục chịu đựng mọi sự và hoàn toàn tín thác nơi tình yêu của Chúa.

Sau phần giới thiệu 3 Chân phước, cộng đoàn đã hát kinh cầu các Thánh.

Rồi Đức Thánh Cha đọc công thức phong hiển Thánh như sau: Để vinh danh Thiên Chúa Ba Ngôi, biểu dương đức tin Công giáo và thăng tiến cuôc sống Kitô, với quyền của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta và của hai Thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô và của chúng tôi, sau khi đã suy nghĩ lâu dài và nhiều lần xin ơn Chúa trợ giúp và lắng nghe ý kiến của nhiều anh em trong Hàng Giám mục, chúng tôi tuyên bố và định nghĩa là Thánh các Chân phước Guido Maria Conforti, Luigi Guanella và Bonifacia Rodriguez de Castro và ghi tên các vị vào sổ bộ các Thánh và thiết định rằng các vị được tôn kính giữa các Thánh trong toàn thể Giáo Hội. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

Giảng trong Thánh lễ, Đức Thánh Cha dùng cuộc đời 3 vị thánh mới để quảng diễn các bài đọc phụng vụ. Chương 22 Phúc Âm Thánh Mátthêu kể lại chuyện một vị tiến sĩ luật hỏi Người đâu là giới răn lớn nhất trong Lề Luật. Chúa trả lời: “Ngươi phải yêu mến Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết tinh thần và hết trí khôn ngươi. Đó là giới răn thứ nhất” (Mt 22,37-38). Đức Thánh Cha nói: Đòi buộc chính đối với từng người trong chúng ta đó là Thiên Chúa phải hiện diện trong cuộc sống chúng ta. Như Thánh Kinh nói Người phải thấm nhập mọi lĩnh vực cuộc sống và hoàn toàn tràn ngập chúng: con tim phải biết Người và để cho Người đánh động; và linh hồn cũng thế, các năng lực của ý muốn và quyết định của chúng ta cũng như trí tuệ và tư tưởng, để chúng ta có thể nói như Thánh Phaolô: “không còn là tôi sống nữa, nhưng là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 1,20). Khi tuyên bố điều răn thứ hai giống điều răn thứ nhất, Chúa Giêsu cho chúng ta hiểu răng bác ái đối với tha nhân cũng quan trong như lòng yêu mến Thiên Chúa. Thật thế, dấu chỉ hữu hình mà tín hữu Kitô có thể làm chứng cho thế giới thấy tình yêu đối với Thiên Chúa là tình yêu đối với các anh chị em khác. Thái độ sống của Thánh Guido Maria Conforti là thái độ tín thác nơi bàn tay quan phòng của Thiên Chúa như diễn tả trong Thánh vịnh 17. Ngay từ ngày còn bé, người đã phải thắng vượt sự chống đối của thân phụ để gia nhập chủng viện và chứng minh cho thấy ý chí cương quyết vâng lời Thiên Chúa. Người cảm thấy mạnh mẽ sự thúc giục loan báo tinh yêu ấy cho những người chưa nghe loan báo Chúa. Và khẩu hiệu “Tình yêu Chúa Kitô thôi thúc chúng ta” (x. 2 Cr 5,14) đúc kết chương trình của Tu hội Truyền giáo mà người thành lập khi mới 30 tuổi để rao truyền Tin Mừng ở hải ngoại dưới sự bảo trợ của Thánh Phanxicô Xaviê, Tông đồ Viễn Đông. Lòng hăng say truyền giáo đó vẫn theo thánh nhân khi người trở thành Giám mục Ravenna và Parma. Cả trong các thất bại nặng nề nhất, người vẫn nhận ra chương trình của Thiên Chúa và dạy cho các thừa sai con cái của người biết rằng sự hoàn thiện là noi gương Chúa Giêsu chịu đóng đinh sống theo thánh ý của Thiên Chúa. Con tim của Kitô hữu phải hiểu biết Chúa Kitô đến độ như có hương vị của Người.

Hương vị tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân ấy cũng toả lan trong cuộc đời của Thánh Linh mục Luigi Guanella. Đức Thánh Cha nói về thánh nhân như sau: Hôm nay, chúng ta muốn chúc tụng và cảm tạ Chúa vì nơi Thánh Luigi Guanella Chúa đã cho chúng ta một ngôn sứ và một tông đồ của lòng bác ái. Trong chứng tá của người tràn đầy nhân bản và chú ý tới các kẻ rốt hết, chúng ta nhận ra một dấu chỉ rạng ngời của sự hiện diện và hoạt động nhân hậu của Thiên Chúa... Ước chi đối với mọi người vị thánh mới này của lòng bác ái là mẫu gương tổng kết giữa chiêm niệm và hoạt đông như chính thánh nhân đã sống và thực thi.

Lịch sử cuộc đời Thánh nữ Bonifacia Rodriguez de Castro, người Tây Ban Nha thành Salamanca, cũng sáng ngời và nảy sinh từ công việc bện dây. Bên ngoài chị chỉ là một thợ tiểu công nghệ, nhưng bên trong chị cháy lửa yêu mến Thiên Chúa, và chọn sứ mệnh đem Chúa Kitô đến với các chị em phụ nữ làm nghề dệt và may vá, trợ giúp họ tìm được công việc làm, khỏi bị khai thác bóc lột, được bảo đảm an ninh và đức tin.

Bằng tiếng Tay Ban Nha, Đức Thánh Cha giới thiệu gương mặt thánh nữ như sau: Vị thánh nữ mới được giới thiệu với chúng ta như một mẫu gương hoàn thiện, trong đó vang lên công việc của Thiên Chúa, một tiếng vang mời gọi các nữ tu dòng Thánh Giuse và chúng ta tất cả chấp nhận chứng tá của chị với niềm vui của Chúa Thánh Thần, mà không sợ hãi sự thất vọng và loan truyền khắp nơi tin mừng Nước Trời.

Trước khi đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành cho mọi người, Đức Thánh Cha đã chào tín hữu và du khách hành hương băng 5 thứ tiếng khác nhau và ngài phó thác cho sự bầu cử của Đức Trinh Nữ Maria Ngày Suy tư, Đối thoại và Cầu nguyện cho Công lý và Hoà bình vào ngày 27-10 này tại Assisi nhân kỷ niệm 25 năm Đức Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô triệu tập Ngày này lần đầu tiên.





Linh Tiến Khải

Nguồn: RV

THỨ 3 SAU CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN

THỨ 3 SAU CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN
NĂM LẺ
Rm 8,18-25 ; Lc 13,18-21



BÀI ĐỌC : Rm 8,18-25



18 Thưa anh em, tôi nghĩ rằng: những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mạc khải nơi chúng ta.19 Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người.20 Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy; tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy 21 là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang.22 Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở.23 Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng: chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa. 24 Quả thế, chúng ta đã được cứu độ, nhưng vẫn còn phải trông mong. Thấy được điều mình trông mong, thì không còn phải là trông mong nữa: vì ai lại trông mong điều mình đã thấy rồi?25 Nhưng nếu chúng ta trông mong điều mình chưa thấy, thì đó là chúng ta bền chí đợi chờ.



ĐÁP CA : Tv 125
Đ. Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại ! (c 3a)


1 Khi Chúa dẫn tù nhân Xi-on trở về, ta tưởng mình như giữa giấc mơ. 2ab Vang vang ngoài miệng câu cười nói, rộn rã trên môi khúc nhạc mừng.
2cd Bấy giờ trong dân ngoại, người ta bàn tán: "Việc Chúa làm cho họ, vĩ đại thay! " 3 Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại! ta thấy mình chan chứa một niềm vui.
4 Lạy Chúa, xin dẫn tù nhân chúng con về, như mưa dẫn nước về suối cạn miền Nam. 5 Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.
6 Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo; lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng.



TUNG HÔ TIN MỪNG : x Mt 11,25
Hall-Hall : Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, Con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã mạc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những người bé mọn. Hall.




TIN MỪNG : Lc 13,18-21

18 Khi ấy, Đức Giêsu nói với dân chúng rằng : "Nước Thiên Chúa giống cái gì đây? Tôi phải ví Nước ấy với cái gì?19 Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải người nọ lấy gieo trong vườn mình. Nó lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được."
20 Người lại nói: "Tôi phải ví Nước Thiên Chúa với cái gì?21 Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men."





MẦU NHIỆM NƯỚC THIÊN CHÚA


Tin Mừng hôm nay (Lc 13,18-21), Đức Giêsu dùng ba hình ảnh để diễn tả về mầu nhiệm Nước Thiên Chúa :
C Hạt cải : Diễn tả sứ mệnh của Hội Thánh là ô dù.
C Men : Diễn tả sứ mệnh của Hội Thánh là cảm hóa lòng người.
C Ba đấu bột : Diễn tả đức ái trong niềm hy vọng cứu độ.

1/ HẠT CẢI NHỎ BÉ DIỄN TẢ SỨ MỆNH CỦA HỘI THÁNH LÀ Ô DÙ.
Đức Giêsu dùng hình ảnh hạt cải nhỏ bé, khi gieo xuống đất nó mọc lên thành cây lớn, trở thành nơi nương ẩn cho chim trời (x Lc 13,19 : Tin Mừng).

HỘI THÁNH ĐƯỢC COI LÀ NHỎ BÉ vì :
a- Số lượng
nhỏ bé : Đức Giêsu có ý chọn 12 môn đệ để đặt làm nền tảng Hội Thánh, vậy mà Ngài huấn luyện họ suốt ba năm, trong số đó không nảy sinh mà còn mất đi một tên Giuđa, cho nên lúc Đức Giê-su về trời, chỉ có 11/12 người được sai đi tiếp nối sứ mệnh của Ngài (x Mt 28,16).
Ngày hôm nay số lượng chủ chăn đã ít, mà phẩm chất chủ chăn xứng đáng làm môn đệ Chúa lại càng ít hơn nữa, nếu căn cứ vào bản chất của người xứng đáng làm môn đệ Chúa, thì số người lại càng ít hơn nữa, khiến Đức Giêsu phải rên lên : “Mùa màng nhiều, thợ gặt ít !” (Mt 9,37)
b- Lòng đạo nhỏ bé :
- Đức Tin không vững : Suốt ba năm Chúa huấn luyện Nhóm 12 để sai họ đi loan báo Tin Mừng, thế mà khi Chúa Giêsu Phục Sinh, Ngài sai họ đi làm chứng cho Ngài, trong số đó có người còn hồ nghi (x Mt 28,17).
- Tội lỗi bản thân : Vị Tông Đồ nổi danh nhất trong Hội Thánh là ông Phaolô, đã phải thú nhận sự yếu hèn của ông trước đòi hỏi nên thánh trong sứ mệnh, ông nói : “Sự lành tôi muốn, tôi không làm, còn sự dữ tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7,18-19).
- Tranh quyền ham lợi : Nhiều người bề ngoài xem ra từ bỏ mọi sự theo Thầy Giê-su (x Mc 10,28), nhưng trong lòng họ vẫn mang tính sôi thịt, tranh nhau quyền bính, lợi nhuận : Không phải chỉ có từ thời Đức Giêsu, họ đã tranh nhau ngồi bên phải bên trái Thầy trong Nước Thiên Chúa (x Mt 20,20t), mà tật xấu ấy còn di căn đến các thế hệ sau, thậm chí vào thời trung cổ,từ năm 1378 – 1417, có ba vị tranh ngôi Giáo hoàng, thủ đô Hội Thánh mỗi ông đặt theo ý mình : Một ở Roma, một ở Pháp, một ở Bỉ. Sự cố này kéo dài gần 1/2 thế kỷ.
c- Văn hóa kém: Các môn đệ Chúa chọn là những người thuộc giới lao động, có lẽ chỉ biết đọc biết viết, nên người thời ấy liệt họ vào những kẻ vô học thức (x Cv 4,13).
d- Quyền bính yếu : Những vị xây dựng mầu nhiệm Nước Thiên Chúa từ Thủ Lãnh là Đức Giêsu và những kẻ theo Ngài không có một tấc sắt để bảo vệ, các môn đệ bị đánh đòn và ra tù vào khám như cơm bữa, mà chẳng ai bênh vực (x Cv 12).
Thế nhưng HỘI THÁNH VẪN LÀ Ô DÙ CHE CHỞ CHO CẢ THẾ GIỚI. Cụ thể :

  • Về âm nhạc, nhờ thầy Dòng Guion có sáng kiến định dấu 7 nốt nhạc, lấy từ âm một bản Thánh ca trong tiếng La Tinh.
  • Thống nhất lịch dùng chung trên thế giới, trước thế kỷ thứ 15, mỗi nước tự đặt niên biểu cho mình, mãi đến thời Đức Giáo hoàng Grégorio XIII (1505-1583), ngài lấy ngày Chúa Giáng Sinh làm mốc thời gian, lúc đó thế giới mới thống nhất lịch cần thiết cho những giao dịch và các quy ước giữa loài người.
  • Chữ quốc ngữ ở Việt Nam, nếu Hội Thánh không có mặt trên đất nước này, thì dân Việt vẫn còn dùng chữ Nôm, rất lạc hậu.
  • Ảnh hưởng của Đức Giáo hoàng Pio XII trong Thế chiến thứ hai : Nếu ngài không lên tiếng ngăn cản ông Marconi chế ra vũ khí tiêu diệt biển người, thì chính quyền Ý đã dùng vũ khí ấy để bá chủ thế giới. Và cứ như thế thì đệ nhị thế chiến gây hậu quả khốc liệt, không lường !
  • Nhờ uy tín của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II mà sau khi ông Gorbachov, Tổng bí thư cộng sản Liên xô hội kiến với ngài, ông đã làm cho thế giới trở nên một khối : Đảng cộng sản Đông Âu tự tan rã ! Người ta hỏi ĐGH : “Có phải ngài xúi ông Gorbachov làm như thế không?” Ngài trả lời : “Chân lý sẽ giải phóng con người (x Ga 8,32), tôi làm nhiệm vụ Chúa trao, là nhắc cho thế giới chân lý của Chúa Ki-tô” (x Mt 28,20).
2/ MEN TRONG BỘT DIỄN TẢ CHỨC NĂNG CỦA HỘI THÁNH LÀ CẢM HÓA LÒNG CON NGƯỜI.
Đức Giêsu dùng hình ảnh men vùi trong bột : Chỉ một chút men làm thay đổi cả thúng bột. Hình ảnh này diễn tả Hội Thánh dùng Lời Chúa làm men cảm hóa lòng người. Đan cử :

  • Nhờ Lời Chúa mà Hội Thánh hoán cải “sói Saolô” thành Tông Đồ Phaolô xuất sắc (x Cv 9 ; 2Cr 11,5).
  • Nhờ chân lý Tin Mừng Hội Thánh rao giảng, mà xóa đi giai cấp nô lệ trong thế giới, mọi người phải tôn trọng nhau, sống bình đẳng.
  • Phim “Sám Hối” sản xuất từ Liên xô, một xã hội chủ trương chối bỏ thần thánh, nhưng tác giả cuốn phim này hoàn toàn lấy tư tưởng Kitô giáo chống lại chế độ độc tài, mà ông Vác-lam là hiện thân cho thể chế độc ác đó, nên ông biết ai hướng về Kitô giáo, cụ thể như một họa sĩ vẽ hình Đức Mẹ Đồng Trinh, vẽ hình Nhà Thờ, bị ông Vác-lam kết án là phản tiến bộ, phá hoại xã hội, như lời ông lên án người họa sĩ : “Tại sao mày không vẽ một nữ lao động đang xây dựng xã hội chủ nghĩa, mà mày lại vẽ bà Maria đồng trinh? Ích lợi gì cho xã hội? Tại sao mày không vẽ một nhà máy sản xuất vũ khí, mà mày lại vẽ một ngôi đền ? Hỏi ngôi đền có chống lại kẻ thù của nước ta không ?” Và ông còn lớn tiếng đe dọa mọi người rằng : “Tôi có khả năng bắt được con mèo đen trong phòng tối, dù trong phòng tối không có con mèo đen !” Kết thúc cuốn phim, cô Kathy, con gái của ông họa sĩ,ông này bị ông Vác-lam sát hại, cô làm bánh sinh nhật để bán, mẫu bánh nào cũng có hai cây tháp Nhà Thờ cao vút với cây Thánh Giá ở trên, người mua bánh ai cũng ăn hai cây Thánh Giá. Hình ảnh này tác giả cuốn phim muốn nói : Con người sinh ra đời nếu không được nuôi dưỡng bằng giáo lý Kitô giáo, thì cũng là kẻ độc ác như ông Vác-lam! Một bà lão chống gậy mò mẫm đi tìm đường đến Nhà Thờ, bà hỏi cô Kathy : “Đường này dẫn về đâu, thưa cô?” Cô Kathy trả lời : “Thưa cụ, đường này là đường Vác-lam không dẫn đến Nhà Thờ”. Bà cụ thất vọng buông gậy thở dài và rên lên : “Ôi, đường nào không dẫn đến Nhà Thờ thì làm đường để làm gì?” Cuốn phim này sản xuất trên 30 năm tại Liên xô mà không được trình chiếu, đến thời ông Gorbachov lãnh đạo, ông cho chiếu rộng rãi ở nhiều nước xã hội chủ nghĩa từ năm 1986 - 1987. Chỉ hai năm sau, từ năm 1989, khối Cộng sản Đông Âu bắt đầu sụp đổ!
Một số chứng từ trên đây minh chứng chức năng của Hội Thánh qua hình ảnh hạt cải mọc lên và men làm dậy thúng bột, đó chỉ là những dấu chỉ về ơn cứu độ Chúa thực hiện qua chân lý được công bố trong Hội Thánh của Ngài. Ơn cứu độ Chúa ban cho những kẻ sống trong mầu nhiệm Nước Thiên Chúa (Hội Thánh), chỉ được thực hiện trọn vẹn trong thời cánh chung. Do đó thánh Phao-lô nói : “Ơn cứu độ đến với ta như một hy vọng, hy vọng mà thấy được ai còn hy vọng nữa, nhưng nếu ta hy vọng điều ta không thấy, thì ta cứ kiên vững đợi trông.” (Rm 8,24-25 : Bài đọc năm lẻ). Cũng chính vì vậy mà thánh Phaolô nói với giáo đoàn Philip : “Ơn cứu độ vẫn còn ở phía trước chúng ta, đừng ai tưởng mình đã nắm bắt trọn, chính tôi đang ruổi theo mà chụp lấy, chiếm đoạt, bởi chưng tôi đã được Đức Kitô chộp lấy. Vậy chúng ta hãy quên phía sau mà lao mình về phía trước, nhắm đích chạy đến giải thưởng của ơn kêu gọi từ trên cao Thiên Chúa đã ban bố trong Đức Ki-tô” (Pl 3,12-14).
Để khai triển niềm tin ơn cứu độ được trở nên hiện thực hơn lòng người ta mơ ước vào thời cánh chung, Đức Giêsu đã dùng hình ảnh thứ ba :

3/ NƯỚC TRỜI GIỐNG NHƯ NGƯỜI ĐÀN BÀ LẤY MEN VÙI VÀO BA ĐẤU BỘT (x Lc 13,21 : Tin Mừng).
Hình ảnh này nhắc cho mọi người nhớ đến bà Sara, vợ ông Abraham đã gần 100 tuổi mà chưa có con. Ngày kia thình lình có ba người khách đi ngang lều của ông bà, ông Abraham vui vẻ đón ba người khách vào nhà rồi giết chiên, còn bà Sara thì lấy ba đấu bột làm bánh đãi khách. Vợ chồng này chỉ tỏ lòng trắc ẩn tình người đối với khách lỡ đường, ai ngờ đâu khách đã chúc lành cho bà Sara sinh con trai, đặt tên là Isaac, Isaac sinh ra Giacop, rồi sinh ra 12 người con làm nên dân tộc Do Thái. Từ dân tộc này, Đấng Cứu Thế xuất hiện, cũng thuộc dòng giống của tổ phụ Abraham và Sara. Bây giờ ông Abraham và bà Sara ở trên trời mới nhận ra giá trị hiệu quả tuyệt vời chương trình cứu độ loài người của Thiên Chúa đã khai mở từ hành động của bà Sara lấy ba đấu bột làm bánh đãi khách. Sau khi Đức Giêsu, Con Một Thiên Chúa hoàn tất chương trình cứu độ loài người của Ngài qua mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh, đã làm cho biết bao nhiêu người được lên Thiên Đàng, sum họp quanh tổ phụ Abraham và Sara, có như vậy, hai ông bà mới nhận ra giá trị lời chúc phúc của Thiên Chúa : “Con cháu dòng tộc ông đông như sao trên trời như cát dưới biển” (x St 18,1-15 ; 22,1-17). Điều này khi ông Abraham và bà Sara còn sống chỉ mơ có một người con, vậy mà khi Thiên Chúa thực hiện lời hứa của Ngài, thì hai ông bà đông con cháu hơn lòng họ mơ ước !
Như thế gia đình tổ phụ Abraham và Sara là mầm nảy sinh Hội Thánh Chúa Kitô. Thực vậy, Hội Thánh Chúa Kitô được thai nghén từ gia đình thánh Giuse và Đức Maria ở Nadareth. Từ gia đình nhỏ bé này, Đức Giêsu bắt đầu hoạt động công khai để khai sinh Hội Thánh, Ngài đã có mặt tại một gia đình vợ chồng khai mở tiệc cưới tại Cana. Mẹ Maria với trải nghiệm làm chủ gia đình, vì lúc ấy ông Giuse đã qua đời, Mẹ muốn cho đôi tân hôn luôn có “rượu mới của tình yêu”, hương vị đậm đà hơn rượu cũ, nên Mẹ đã lên tiếng dặn dò người ta : “Giêsu bảo gì cứ làm theo” (Ga 2,5).
Thực vậy chỉ khi nào mọi thành phần trong gia đình thực hành Lời Đức Giêsu dạy, gia đình đó mới thực sự diễn tả Hội Thánh Chúa Kitô sống động nơi dương thế. Chính vì vậy mà thánh Phaolô dạy : “Trong gia đình người chồng diễn tả sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô, người vợ diễn tả đời sốngĐức Tin, Đức Cậy, Đức Ái của Hội Thánh” (x Ep 5,21-33 : Bài đọc năm chẵn).

Có thế gia đình mới được dồi dào “hạnh phúc vì kính sợ Chúa” (Tv 128/127, 1a : ĐC năm chẵn).
Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolo II nhắc nhở cho các gia đình Kitô giáo : “Gia đình Kitô hữu là Thánh Điện của Hội Thánh, là tế bào đầu tiên và sinh động của xã hội, gia đình đã được Công Đồng Vat II đề cao, coi như Thánh Điện của Hội Thánh, khi mọi người trong nhà yêu thương đùm bọc nhau, và cùng nhau dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa. Gia đình Kitô hữu chỉ xuất hiện như một “Hội Thánh tại gia”, nếu các phần tử tùy theo môi trường và phận sự riêng biệt của mỗi người cùng nhau hoạt động để phát huy công lý, cùng nhau làm việc từ thiện, hiến thân phục vụ anh chị em, và trong một khung cảnh rộng lớn hơn, tham gia vào việc Tông Đồ và Kinh Phụng Vụ của cộng đoàn địa phương, cũng như cùng nhau dâng lên Chúa những lời cầu nguyện sốt sắng chân thành. Thiếu yếu tố này là thiếu hẳn đặc tính của gia đình Kitô giáo. Vì thế, nếu muốn tìm lại ý nghĩa thần học về gia đình, thì phải nỗ lực tái lập thói quen cầu nguyện chung trong đời sống gia đình.
Với tư cách là “Thánh Điện tại gia của Hội Thánh”, gia đình nên cầu nguyện chung, và chẳng những thế mà còn phải tùy nghi sử dụng một vài phần trong các giờ Kinh Phụng Vụ, để kết hợp mật thiết hơn với Hội Thánh” (Trích Tông Huấn tôn sùng Đức Mẹ số 52 và 53).
Đức Cố Giáo hoàng Gioan XXIII về quê thăm cha mẹ, ngài nói : “Thưa cha mẹ, hôm nay con được 50 tuổi, Chúa thương ban cho con nhiều chức trong Hội Thánh, đi nhiều nơi, học nhiều sách, nhưng không trường nào dạy dỗ con, làm ích cho con hơn thời gian con còn được ngồi bên cha mẹ”. Tưởng cũng cần nhắc lại khi ngài còn làm Hồng y, có lần ngài về thăm mẹ và khoe : “Đây là nhẫn Tổng Giám mục của con”. Bà mẹ không chịu thua giơ tay ra cho con xem và nói : “Cái nhẫn mỏng tanh này trên tay mẹ đáng hãnh diện hơn, vì nếu không có nhẫn cưới này, thì cũng chẳng có một Hồng y Roncalli”.
Vậy Chúa đã dùng ba loại vật chất : Hạt cải, men, ba đấu bột, để diễn tả về mầu nhiệm Nước Thiên Chúa. Đó là lý do thánh Phaolô nói : “Vạn vật ngong ngóng trông đợi thấy ngày con cái Thiên Chúa được hiển dương… với hy vọng chính tạo vật cũng được tự do khỏi cảnh làm tôi mục nát, mà vào địa vị tự do vinh quang thuộc hàng con cái Thiên Chúa”. Thế thì tạo vật còn được Chúa dùng biểu lộ vinh quang con cái Thiên Chúa trong Hội Thánh, khi nó được tham dự vào vinh quang con cái Thiên Chúa, thì cả chúng ta nữa càng cần phải để Chúa sử dụng khi “chúng ta khao khát mong đợi được phúc làm nghĩa tử của Thiên Chúa, hầu thân xác ta cũng là vật chất khỏi phải làm tôi sự mục nát” (x Rm 8,18-24 : Bài đọc năm lẻ).

Tất cả những ai cảm nghiệm được phúc Chúa cứu độ trong mầu nhiệm Nước Thiên Chúa (Hội Thánh), họ đều cất tiếng ngợi khen : “Hạnh phúc thay những người kính sợ Chúa, ăn ở theo đường lối của Người, công khó bạn làm ra, bạn được an hưởng, bạn quả là lắm phúc nhiều may” (Tv 128/127,1-2 : ĐC năm chẵn).
Vậy Đức Giêsu chỉ mới dùng ba loại vật chất tầm thường : Hạt cải, men, bột, để diễn tả ơn cứu độ tuyệt vời qua đời sống Hội Thánh Công Giáo như thế ; thì thử hỏi nếu mỗi người Công Giáo để Chúa dùng diễn tả mầu nhiệm Nước Thiên Chúa như đôi vợ chồng diễn tả Hội Thánh lữ hành (x Ep 5,21-33), hoặc như người sống độc thân vì Nước Trời, nhất là người sống trong bậc tu trì để diễn tả Hội Thánh thời cánh chung (x Lc 20,34-36), thì chắc chắn càng tập họp thêm nhiều người vào Hội Thánh để được Chúa cứu độ diễn tả vinh quang Thiên Chúa hơn biết mấy! Trong mơ ước viễn tượng tuyệt vời này, chúng ta mới được cùng với Chúa Giêsu cất lời ngợi khen : “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, Con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã mạc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những người bé mọn” (Mt 11, 25 : Tung Hô Tin Mừng).
THUỘC LÒNG
Ơn
cứu độ đến với ta như một hy vọng, hy vọng mà thấy được ai còn hy vọng nữa, nhưng nếu ta hy vọng điều ta không thấy, thì ta cứ kiên vững đợi trông (Rm 8,24-25).
Không phải là tôi đã đoạt giải hay đã thành toàn, nhưng tôi đang ruổi theo để mà chụp lấy chiếm đoạt, bởi chưng tôi đã được Đức Kitô chộp lấy. Tôi chưa kể mình là đã chiếm đoạt được rồi, nhưng điều duy nhất là : quên phía sau mà lao mình tới trước, nhắm đích, tôi chạy đến giải thưởng của ơn kêu gọi từ trên cao Thiên Chúa đã ban bố trong Đức Kitô Giêsu (Pl 3,12-14).





http://phaolomoi.net
Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH

Cho cả khối bột dậy men

25/10/11

thứ ba tuần 30 tn

Lc 13,18-21




Cho cả khối bột dậy men


“Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.” (Lc 13,21)

Suy niệm: Văn hào André Malraux là tác giả của câu nói thời danh: “Thế kỷ XXI sẽ là tôn giáo hoặc sẽ chẳng là gì cả.”[1] Lời tiên báo này ám chỉ về cuộc song đấu gay gắt được trào lưu thế tục dựng lên nhằm loại trừ tôn giáo ra khỏi xã hội loài người. Nói cách khác, nhiều người muốn Thiên Chúa di cư ra khỏi cuộc sống của họ. Còn Thiên Chúa, ngược lại, cứ đeo đuổi con người. Ngài đã đặt Nước Thiên Chúa vào tận nơi sâu thẳm lòng người, để con người dù nghiêng về vật chất, nhưng cũng được thu hút về Thiên Chúa, lớn lên trong thời gian, nhưng hít thở được không khí đời đời, liên quan đến tự nhiên và thế gian, nhưng cũng siêu việt nhờ có khả năng và tự do kết hợp với Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa như men được vùi trong con người và thế giới, đang tác động cho đến khi biến đổi hoàn toàn con người và thế giới này.
Mời Bạn: Niềm tin vào Thiên Chúa đang ảnh hưởng gì đến cuộc đời bạn? Bạn có kinh nghiệm gì sau những lần sống trái lương tâm và nghịch với ý muốn của Thiên Chúa?
Chia sẻ: Tại sao con người muốn loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời họ?
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ cầu nguyện cho mọi người biết tôn trọng quyền tự do tôn giáo, và tôn trọng quyền thờ phượng Chúa Ki-tô của các Kitô hữu.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin biến đổi chúng con trở nên nắm men của Chúa, để bất cứ nơi nào chúng con hiện diện, cả khối bột cũng dậy men.
[1] Nguyễn Thái Hợp, Vit Nam Du Yêu, Quê Hương và Giáo Hi (CLB Nguyễn Văn Bình, 2011), 206.

Xin Chúa nâng đỡ

Xin Chúa nâng đỡ




Con hiểu rồi, Chúa ơi con đã hiểu
Nên chẳng xin Chúa diệt kẻ ác gian
Chỉ nguyện xin Chúa nâng đỡ vững vàng
Trước thử thách do họ luôn đem đến.


Đời một người tựa như là cây nến
Cháy êm đềm, nghiêng ngả muốn tắt đi
Rồi chợt sáng bừng lên trong dông gió
Chẳng sợ chi khi có Chúa ở cùng.



Anna Tâm Thảo

Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011

Một ngọn lửa làm bùng lên nhiều ngọn lửa

Lửa 2: Một ngọn lửa làm bùng lên nhiều ngọn lửa




Một ngọn lửa làm bùng lên nhiều ngọn lửa
Trong gần 5 thế kỷ, Dòng Tên đã mang lửa vượt ngàn trùng biển khơi, đến mọi dân tộc, mọi quốc gia. Với Giáo hội Việt Nam, năm 1615, các tu sĩ Dòng Tên đã xuyên qua đại dương, mang ngọn lửa Tin Mừng đến quê hương Đại Việt. Và rồi, hoa trái đầu mùa trên quê hương ấy, Á Thánh Anrê Phú Yên, một anh hùng đức tin 19 tuổi, thắp lên ngọn lửa đầu tiên, để rồi sau đó, hàng triệu ngọn lửa bùng cháy.
Khi mang lửa Tin Mừng đến những vùng đất mới, các tu sĩ Dòng Tên chú trọng đến văn hoá bản địa và quý trọng sự cộng tác của dân địa phương trong công cuộc rao giảng Tin Mừng. Cũng trong tinh thần này, Cha Đắc Lộ, một tu sĩ Dòng Tên và cũng là người có công lớn nhất trong việc hình thành chữ viết cho quê hương Việt Nam, thiết lập Hội Thầy Giảng. Hội Thầy Giảng có thể được xem là nền móng cho sự xây dựng Giáo hội Việt nam. Anrê Phú Yên được nhận vào “Hội Thầy Giảng” ở xứ Nam cùng với chín thanh niên khác, những người này được chọn lựa trong lớp ưu tú của giáo đoàn sơ khai lúc đó. Theo lời Cha Đắc Lộ: Thầy giảng Anrê Phú Yên rất thông minh, tính tình hiền hậu, đơn sơ, chất phác, thanh bạch, quên mình lo giúp đỡ mọi người (x. Alexandre Rhodes, Glorieuse mort du catheschiste André, tr. 76-78).
Hôm đó vào quãng trưa, quân lính lùng sục bắt Thầy Inhaxiô, một trong hai trưởng nhóm của Hội Thầy Giảng. Anrê Phú Yên mạnh dạn ra mặt hỏi bọn lính và nói: “Nếu các anh muốn bắt Inhaxiô thì vô ích, vì Inhaxiô không có ở nhà. Nếu muốn bắt tôi thì tôi sẵn sàng: tôi là giáo hữu, hơn nữa là thầy giảng, tôi có cả hai tội mà các anh gán cho Inhaxiô để bắt thầy ấy. Vậy thầy ấy mà có tội, thì làm sao tôi vô tội được” (Alexandre de Rhodes, Glorieuse mort du cathèchiste André, tr. 11). Thầy Anrê bị bắt, nhưng lạ thay thầy bước đi giữa quân lính trong niềm hân hoan vui sướng. Thầy không quên bổn phận của mình là phải rao giảng đức tin. Ngay trong hoàn cảnh đang bị đưa về lao tù, khi xuống thuyền, thầy đã giảng cho bọn lính về Đức tin. Bọn lính ngơ ngác nhìn nhau cảm động, chính những lời giảng dạy ấy mà quan Nghè Bộ dựa vào đó để kết tội thầy trong khi không bắt được Thầy Inhaxiô.
Quân lính điệu Thầy Anrê đến quan Nghè Bộ, vị quan này tưởng Anrê trẻ tuổi non dại không có đủ gan dạ, thế nào mình cũng thuyết phục được, quan nói: Đã trót theo “tả đạo”, vậy hãy từ bỏ, quan sẽ giúp đỡ, nếu không quan có cách khiến cho hối không kịp. Đáp lại một cách đơn sơ nhưng đầy hào khí, Anrê Phú Yên nói: “Quan và cả bộ hạ có thể giết tôi về phần xác dễ dàng nhưng không thể làm lay chuyển Đức tin và lòng mến Chúa trong tâm hồn tôi”. Quan Nghè Bộ thấy thái độ kiên quyết của Thầy giảng Anrê Phú Yên, vô cùng tức giận. Không nói lại nửa lời, quan lệnh cho lính đeo gông vào cổ Anrê Phú Yên, tống giam vào ngục, ngày mai sẽ quyết định. Sáng hôm sau 26-7-1644, quan Nghè Bộ triệu tập phiên toà chớp nhoáng. Kết thúc phiên toà là án tử dành cho hai giáo hữu cùng tên Anrê: một người đã 73 tuổi, còn người kia là vị anh thanh niên 19 tuổi đời. Người giáo hữu 73 tuổi cuối cùng thì được tha, vì đã tuổi già sức yếu, nhưng Anrê Phú Yên thì chịu án tử hình.
Những ngày trong lao tù, có nhiều người tới thăm vị thanh niên này: già trẻ lớn bé, cả người bên lương. Thầy giảng Anrê Phú Yên đón tiếp mọi người rất niềm nở, thầy nói: “Anh chị em, đối với Chúa Giêsu rất yêu dấu của ta, ta hãy lấy tình yêu đáp lại tình yêu. Chúa đã chịu đau khổ vì ta, ta hãy lấy mạng sống đáp lại mạng sống”.
Trong cùng ngày tuyên án, Cha Đắc Lộ thăm Thầy Anrê và ôm hôn thầy, hôn thánh giá của thầy, với đôi dòng lệ tuôn trào, không sao nói được nửa lời. Thầy giảng Anrê Phú Yên nói lớn tiếng: “Tôi là kẻ có tội”, xin mọi người cầu cho tôi được chịu khó cho tới chết. Đầy lòng tin cậy, Thầy nói tiếp: Tôi chẳng sợ cơn điên dại của kẻ dữ, chỉ có thể giết mình phần xác, tôi chỉ sợ Đức Chúa Trời có quyền phạt cả hồn lẫn xác (x. Alexandre de Rhodes, Relation Progès Foi, tr. 31).
Thầy đã thắp lên ngọn lửa của Chúa Giêsu trong lòng những người đến thăm thầy: ngọn lửa Tin Mừng, ngọn lửa yêu thương, ngọn lửa tha thứ, và đặc biệt, ngọn lửa hăng say sống cho Đức tin và chết cũng cho Đức tin. Thầy Anrê không hề run sợ trước cái chết đang chờ, thầy hân hoan và ngóng chờ giây phút ấy, giây phút thầy được cùng với chư thánh trên trời hội ngộ: Tôi tưởng như cửa thiên đàng đã mở ra cho tôi. Tôi thấy Chúa Giêsu đang đứng trước cửa đón tôi, bao nhiêu thánh Tử đạo giơ cho tôi mũ triều thiên và cành thiên tuế. Ôi Thiên Đàng! Hạnh phúc dường bao! Tại sao người ta trì hoãn lâu thế” (Alexandre de Rhodes, Glorieuse mort glorieuse d’Andé, tr. 46).
Vào khoảng 4 giờ chiều, một tên lính cho Thầy giảng Anrê Phú Yên biết sắp tới giờ đi xử, hãy chuẩn bị ăn đi, kẻo không kịp. Cha Đắc Lộ khuyên thầy dùng chút của ăn để có sức ra pháp trường. Thầy giảng Anrê Phú Yên ăn một vài cái bánh, uống một ly nước, rồi nói: “Thế là đủ lắm rồi, chẳng cần gì hơn nữa, để dành ăn tiệc thánh trên thiên đàng”.
Quân lính đưa thầy ra pháp trường. Thầy giảng Anrê Phú Yên biết giây phút cuối cuộc sống trần thế của mình đã đến, thầy quay về phía giáo hữu để từ giã lần chót với những lời thiết tha: “Xin anh chị em hãy trung thành với Chúa tới chết, không một điều gì có thể giập tắt lòng kính mến Chúa Kitô trong trái tim ta” (Alexandre de Rhodes, Glorieuse mort d’Andre, tr. 53).
Thầy đã bị xử rơi đầu vì Đức tin, Cha Đắc Lộ đã mang đầu của thánh nhân về Rôma, và hiện đang được cất giữ cẩn thận tại nhà Trung ương của Dòng Tên. Ngọn lửa Đức tin Công giáo tại quê hương Việt Nam đã được thắp lên, và rồi, kế tiếp ngọn lửa ấy, ngàn ngàn ngọn lửa tiếp theo. Biết bao con người Việt Nam đã anh dũng tuyên xưng Đức tin, biết bao dòng máu đào đã tưới đẫm quê hương Việt vì Đức tin, để rồi từ đó cho một mùa gặt dồi dào. Anrê Phú Yên đã nằm xuống, nhưng ngọn lửa Ngài đã làm bùng lên luôn cháy mãi.
Ngày 5-3 Năm Thánh 2000, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II tôn phong Anrê Phú Yên lên bậc chân phước.

Mọi góp ý cho chuyên mục LỬA xin gởi về địa chỉ noilualenrv@gmail.com
RADIO VATICAN
CHUYÊN MỤC: LỬA
NGƯỜI VIẾT: Nguyễn Hiền Nhu

MẦU NHIỆM SỰ SỐNG

MẦU NHIỆM SỰ SỐNG



Nhân loại tái sinh khi một Evà mới là Ðức Maria xuất hiện. Qua những Mầu nhiệm Mân Côi, Mẹ dẫn đưa tín hữu ngày càng đi sâu vào một sự sống huyền nhiệm mới, đó là Ðức Giêsu Kitô. Càng thấu hiểu huyền nhiệm sư sống, họ càng tìm thấy giá trị và ý nghĩa đích thực của cuộc đời. Hơn nữa, bước theo Mẹ, họ sẽ không bao giờ phải lo sợ, vì dưới danh hiệu “Thánh Mẫu Thiên Chúa (Theotokos), người tín hữu tìm được nơi trú ẩn nhờ biết cầu nguyện trong cơn nguy khốn”.[1]
Trên trần gian, Mẹ rất lo lắng ơn cứu độ cho mỗi người. Nhưng làm sao có thể được cứu độ, nếu không biết sự thật là Ðức Giêsu Kitô, Ðấng giải thoát nhân loại? Thực tế, chỉ có Mẹ mới dạy chúng ta biết rõ sự thật về Chúa Kitô. Bởi thế, không có Mẹ, làm sao chúng ta có thể hy vọng được cứu độ? Mẹ dạy chúng ta trong trường học tin yêu là Tràng hạt Mân Côi. Vì đã hạ sinh, dưỡng dục Con Thiên Chúa làm người, nên Mẹ sẽ chỉ vẽ cho chúng ta một con đường ngắn nhất và đúng nhất dẫn tới nguồn ơn cứu độ là Ðức Giêsu Kitô.
Chính Mẹ cũng là một mẫu gương sáng chói nhất cho chúng ta biết hồng ân Thiên Chúa là gì và hoạt động ra sao dưới quyền lực Thánh Linh. Trong ngày Truyền Tin và Hiện Xuống, Mẹ đã xuất sắc trong thiên chức làm Mẹ khi chiêm niệm được ý nghĩa việc Thần Khí phủ bóng và hiện xuống. Nhờ vậy, Mẹ đã nêu gương cho Giáo Hội (chúng ta) trong việc sinh dưỡng ơn Chúa Kitô trong thế giới.[2]
Bước theo Mẹ trong Mầu nhiệm Mân Côi, chúng ta sẽ cảm nghiệm và sống lại tất cả vẻ đẹp của lịch sử cứu độ.
SỰ SỐNG, MỘT HUYỀN NHIỆM
Sự sống là một huyền nhiệm phát xuất từ Thiên Chúa. Muốn khám phá sự sống, không những phải hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa, nhưng còn phải dõi theo bước chân Mẹ Maria qua các mầu nhiệm Mân côi. Chỉ có Mẹ mới giúp chúng ta thấy và trân quý tất cả vẻ đẹp huyền nhiệm trong công cuộc tạo dựng và cứu độ. Vì thế, ĐGH Gioan Phaolô II mới dám sống với tâm tình phó thác: “Mọi sự của con là của Mẹ”.
Mẹ đề cao những giá trị của Sự Sống Thiên Chúa. Mẹ hết sức quý trọng sự sống con người cũng như vạn vật. Sự sống đó bắt đầu từ khi Thiên Chúa tạo dựng để chiếu toả vinh quang ra vũ trụ. Càng suy gẫm, Mẹ càng thấy sự sống kỳ diệu, nhất là sự sống con người được Thiên Chúa chăm lo đặc biệt. Nếu không, Thiên Chúa đã không chọn một dân riêng để ban lời hứa và lề luật. Hơn nữa, Người còn sai các ngôn sứ đến chuẩn bị cho dân của Người đón nhận ơn cứu độ. Nếu sự sống không có giá trị, tại sao Thiên Chúa phải lo bảo vệ và phát triển như thế?
Trong mầu nhiệm cứu độ, Thiên Chúa dành lại sự sống cho con người. Đó cũng là cơ hội con người cộng tác với Thiên Chúa để dành lại sự sống cho chính mình. Sự sống có một giá trị khôn sánh và vô cùng cao cả. Chỉ Thiên Chúa mới có thể tạo dựng và giành lại sự sống cho con người. Sự sống vừa là một hồng ân vĩ đại nhất vừa là một thách đố lớn nhất đối với con người.
Hơn lúc nào, ngày nay cuộc khủng hoảng về sự sống đang đe doạ nhân loại. Các phong trào phá thai, đồng tính luyến ái, nhân bản con người, ly dị, xâm phạm nhân quyền là những tệ nạn đang làm nhức nhối và đục khoét lương tâm con người. Cần phải có những nỗ lực lớn lao mới có thể giành lại sự sống và những giá trị sự sống cho con người. Suy niệm theo MẦU NHIỆM SỰ SỐNG là góp phần quan trọng vào công cuộc đấu tranh cho sự sống.
Mầu nhiệm Mân Côi là con đường dẫn Kitô hữu đi sâu vào tình yêu Thiên Chúa. Qua những nẻo đường huyền nhiệm đó, Thiên Chúa sẽ mạc khải Mẹ Maria như người cộng tác chính yếu với Chúa Giêsu trong chương trình cứu chuộc nhân loại. Đồng thời qua đó Chúa cũng cho con người những phương tiện hữu hiệu để đạt được cứu rỗi cho chính mình và cho đồng loại. Chính vì thế, khi ban hành Ba Mệnh Lệnh Fatima, Mẹ Maria muốn mọi người lần hạt Mân côi để cứu vãn nền hoà bình thế giới.
Khi nghe tin Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II lập thêm một mầu nhiệm vào Kinh Mân Côi truyền thống, nhiều người tưởng đó là MẦU NHIỆM SỰ SỐNG, một chủ đề đã ảnh hưởng sâu đậm và chi phối suốt đời ngài. Thực tế, ngài đã công bố MU NHIỆN SỰ SÁNG. Mầu nhiệm Sự Sáng thật là quan trọng và cần thiết cho những người muốn chiêm ngắm vinh quang Thiên Chúa qua các mầu nhiệm cứu độ được thể hiện trong thời gian ChúaGiêsutruyền đạo. Hơn nữa, mầu nhiệm đó kết thúc bằng sự kiện Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể như cao điểm của tất cả các mầu nhiệm. Thật là tuyệt vời!
Như thế, Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã có công làm phong phú Mầu nhiệm Mân Côi truyền thống. Thế nhưng, tất cả các mầu nhiệm đó đều nằm trong bối cảnh Tân Ước. Phải chăng mầu nhiệm cứu độ chỉ giới hạn trong Tân Ước? Thưa không. Thiết tưởng có trở về nguồn Cựu ước, mới khám phá được tất cả chiều kích tình yêu Thiên Chúa trong công cuộc tạo dựng và cứu độ.


[1]Hiến chế Tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, số 66.
[2] x. Encyclopedia of Cathlolic Doctirine, ed. Russell Shaw, Mary, Mother of the Church, F. M. Jelly, O.P.

HÌNH AI ĐÂY?

HÌNH AI ĐÂY?



Khi thấy Chúa Giê-su làm nhiều phép lạ, chữa khỏi bệnh cho nhiều người, được dân chúng tung hô và đi theo rất đông, nhóm người Pha-ri-sêu quyết định tiêu diệt Người cho bằng được. Để có thể thực hiện âm mưu đó, họ đã nghĩ ra nhiều cách, mà một trong những cách đó là gài bẫy Người. Đã từng có chuyện gài bẫy Đức Giê-su về việc ném đá người đàn bà ngoại tình (Ga 8, 2-11). Họ nói với Người: "Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?". Họ nghĩ rằng với câu hỏi của họ, trả lời cách nào thì Đức Giê-su cũng dính trấu. Trả lời là cứ ném đá người phụ nữ thì mâu thuẫn, đi ngược với lời dạy của chính Người là phải yêu mến, tha thứ cho nhau kể cả kẻ thù của mình; không những thế, còn phạm luật Rô-ma (It-ra-el đang bị đế quốc Rô-ma đô hộ, chỉ những người đại diện cho luật pháp Rô-ma – như tổng trấn Phi-la-tô, chẳng hạn – mới được quyền kết án tử hình). Còn nếu tha, thì lại phạm luật truyền thống của It-ra-en là luật Mô-sê. Đằng nào cũng kẹt! Trong bài Tin Mừng hôm nay (Mt 22, 15-21), nhóm người Pha-ri-sêu lại một lần nữa gài bẫy Đức Ki-tô bằng cách chất vấn Người về việc nộp thuế cho Xê-da. Nếu Người trả lời là nên nộp thuế thì sẽ bị họ kết án là ôm chân ngoại bang, quay lại làm hại dân tộc mình. Còn nếu bảo không, thì lại vướng vào tội chống đối chính quyền bảo hộ. Chỉ cần Đức Ki-tô trả lời là họ có cớ “xử” Người ngay.
Cả 2 lần, Đức Giê-su đều biết rõ tận tim đen bọn người Pha-ri-sêu chỉ muốn gài bẫy để có cớ làm tội Người, nhưng cả hai lần chúng đều thất bại thảm hại, tiu nghỉu như mèo bị cắt tai, bỏ đi một nước. Lần trước, khi nghe Đức Ki-tô nói: "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi", thì: "Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi " (Ga 8, 8-9). Còn lần này, khi nghe Đức Ki-tô nói "của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa", thì: “Nghe vậy, họ ngạc nhiên và để Người lại đó mà đi” (Mt 22, 22). Ấy cũng bởi vì "Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ giả hình!” (Mt 22, 19). Điều này chứng tỏ bọn người Pha-ri-sêu cũng chẳng khác gì Xa-tan cám dỗ Chúa trong sa mạc, bị Người quở mắng: "Đã có lời rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi"(Lc 4, 12).
Tuy nhiên, lần này, ngoài việc khiến bọn Pha-ri-sêu thất bại nhục nhã, Đức Ki-tô còn muốn gửi đến tất cả mọi người (từ những kẻ chưa tin đến những người đã tin tưởng vào Người, kể cả những kẻ chống đối) một thông điệp: Hãy sống trọn hảo bổn phận của một công dân nước trần thế (đối với thế quyền), đồng thời với bổn phận công dân Nước Trời (thần quyền). Người không chỉ dạy bảo, khuyên nhủ, mà còn làm gương trong suốt cuộc sống tại trần gian, như việc nộp thuế đền thờ, Người đã dạy thánh Phê-rô: “Nhưng để khỏi làm gai mắt họ, anh ra biển thả câu; con cá nào câu được trước hết, thì bắt lấy, mở miệng nó ra: anh sẽ thấy một đồng tiền bốn quan; anh lấy đồng tiền ấy, nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của anh" (Mt 17, 27). "Của Xê-da, trả về Xê-da” là vậy đó, và chính những điều này đã khiến Phi-la-tô khi luận án đã phải thốt lên đến lần thứ ba: "Nhưng ông ấy đã làm điều gì gian ác? Ta xét thấy ông ấy không có tội gì đáng chết"(Lc 23, 22), rồi rửa tay để chứng tỏ mình không kết án người vô tội, và trao trả lại cho đám quan quyền Do thái xử án Đức Ki-tô.
Cứ kể với đám người Pha-ri-sêu, trả lời họ "của Xê-da, trả về Xê-da” đã là quá đủ; nhưng Đức Ki-tô còn đi xa hơn, sâu hơn, bởi ngoài đám người muốn thử thách Chúa, còn có những người khác là những môn đệ cùng với những kẻ tin và đi theo Người. Vì thế, Người tiếp tục dạy: “của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa". Của ai thì trả về cho người đó – rất công bằng và chí lý! Người Ki-tô hữu ngày hôm nay cùng lúc mang trên vai hai bổn phận: bổn phận công dân nước trần thế + bổn phận công dân Nưới Trời, thì phải khắc ghi trong tâm khảm châm ngôn sống "Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”. Chúa không dạy ta hãy lánh xa đời, mà hãy sống Đạo giữa đời. Sống làm sao cho tốt Đạo đẹp đời mới thực sự đẹp lòng Thiên Chúa. Những ai sống được như vậy thì “Nước Trời là của họ”, tất nhiên.
Còn một điều rất lỳ thú mà kẻ viết bài này rất tâm đắc: Đó là câu Đức Ki-tô hỏi đám người Pha-ri-sêu khi Người đòi xem đồng tiền nộp thuế: “Hình ai đây?” Vào thời điểm câu hỏi ấy xuất phát, thì chỉ nhằm mục đích dồn đối phương vào chân tường; nhưng với chúng ta ở thế kỷ XXI này, đặt giả thử có ai đó cũng hỏi như vậy, thì chúng ta trả lời sao đây? Có hai trường hợp xảy ra: Nếu “ai đó” chỉ vào những ảnh tượng chúng ta mang trên ngực mà hỏi, thì câu trả lời thật dễ dàng: “Hình Thiên Chúa”. Tuy nhiên, ngày nay ít người còn có thói quen tốt mang ảnh tượng Chúa trên người, và trường hợp thứ hai sẽ xảy ra, nếu “ai đó” cắc cớ chỉ vào mặt chúng ta mà hỏi “Hình ảnh ai đây?”, liệu chúng ta có trả lời suông sẻ không, hay lại cho “ai đó” là người “mát điện”? Đừng vội kết án người ta là “mát điện”, bởi có khi chính “ai đó” là lương tâm của chúng ta (mà lương tâm lại là nơi Thiên Chúa hiện dịên), vậy có khác chi là Thiên Chúa đang hỏi chúng ta như xưa Người hỏi đám người Pha-ri-sêu. Hoá cho nên, muốn trả lời được khi bị cật vấn: "Hình và danh hiệu này là của ai đây?", xin hãy nhớ lại Thiên Chúa dựng nên con người “giống hình ảnh Người” và khi chịu phép Thánh Tẩy còn được mang danh hiệu Ki-tô hữu nữa.
Vâng, thật rõ ràng là "Hình ảnh và danh hiệu của Thiên Chúa" đã được đóng ấn trên thân xác mỗi con người Ki-tô hữu. Vậy thì vấn đề bảo dưỡng thân xác cùng với cuộc sống ở trần gian chẳng phải là “của trần thế trả về trần thế” đó sao? Còn “Hình ảnh và danh hiệu Ki-tô hữu” là “của Thiên Chúa (thì hãy) trả về Thiên Chúa”. Nói tóm lại, mỗi Ki-tô hữu mỗi ngày hãy nhìn lại mình mà tự vấn: "Hình ảnh và danh hiệu này là của ai đây?", để từ đó bảo dưỡng thân xác khoẻ mạnh, hầu sống cho xứng đáng với danh hiệu Ki-tô hữu gắn trên hình ảnh của Thiên Chúa (là chính cái thân xác cần bảo dưỡng ấy). Chỉ có như thế mới thực sự là đã thực hành Lời Chúa dạy "của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa". Tóm lại, hãy sống tốt đời đẹp Đạo, hay nói cách khác, hãy chu toàn cùng lúc bổn phận công dân nước trần thế và bổn phận công dân Nước Trời. Ước được như vậy. Amen.




JM. Lam Thy ĐVD.

Trả Cho Caesar - Trả Cho Thiên Chúa

Trả Cho Caesar - Trả Cho Thiên Chúa
(CN 29 TN, Năm A)






Bấy giờ Người bảo họ rằng: "Vậy, cái gì của Cêsarê thì hãy trả cho Cêsarê, và cái gì của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên Chúa". (Mt 22, 15-21).


Vâng quả là Lời của Chúa thì không sai chạy vào đâu cho được. Chúa dậy chúng ta sống ở trên đời phải có tinh thần biết đóng góp bằng cách góp công, góp của, và góp những gì, giúp ích cho xã hội và cho tha nhân. Đó là của Caesar thì hãy trả cho Caesar, ý nghĩa của Chúa Giêsu là muốn dậy chúng ta như vậy khi còn sống trên trần gian này! Ý nghĩa của sự đóng góp của nộp thuế là giúp cho Vua, chính phủ, hay chính quyền của một quốc gia có thêm nguồn lợi để làm cho đất nước thêm hùng mạnh thêm phong phú. Giúp cuộc sống của con người ngày càng văn minh hơn và tiến xa tiến rộng hơn để giúp thăng hoa cuộc sống của con người. Cuộc sống văn minh cũng giúp rất nhiều cho xã hội có thêm công ăn việc làm và công việc cũng đỡ phải nguy hiểm hơn, vì con người ngày càng có khả năng để chế biến thêm nhiều những máy móc để con người tránh được nhiều tai nạn!? Cuộc sống nơi trần gian thì có phải chúng ta không sống chỉ có một mình mà chúng ta còn có thật nhiều anh chị em ở khắp mọi nơi trên toàn địa cầu không? Vậy thì chúng ta là một cá nhân, là một gia đình, là một cộng đoàn, là một ấp, một xã, một tỉnh, một tổ quốc, có cần và phải có bổn phận để trả cho nhau những gì mà tất cả cùng góp công góp sức để có một cuộc sống khả quan hơn và tốt đẹp hơn không? Cần lắm chứ thưa phải không?

Vậy thì nếu một cá nhân không có trách nhiệm và làm tròn bổn phận của mình, nơi mình cư ngụ, tại nơi công sở, cho cộng đoàn, và cho những người chung quanh, thì cá nhân ấy có những ảnh hưởng ít nhiều như thế nào cho xã hội?

Rồi thì trong một gia đình, từng phần tử trong nhà mà không ai có tinh thần đóng góp, giúp đỡ, thông cảm, đỡ đần, và thăm hỏi nhau, và ai cũng sống ích kỷ chỉ muốn mình được đứng riêng rẽ một mình, không ai muốn có trách nhiệm với ai, thì thử hỏi gia đình ấy tương lai có còn được hạnh phúc với nhau hay không?

Còn khi ta gia nhập vào đoàn thể của một cộng đoàn cũng thế, nếu tất cả ai ai cũng muốn mình làm lớn, có một chức vụ rõ ràng, một là tôi được bầu làm chủ tịch, còn hai chí ít là phải được làm phó chủ tịch, hay cũng được làm thư ký, trưởng nội vụ, trưởng ngoại vụ, v.v.... chứ không thì tôi sẽ không muốn gia nhập vào một đoàn thể nào cả! Nếu thế thì tất cả những hội đoàn chỉ toàn là ban điều hành chứ không bao giờ có hội viên, và nếu là thành phần hội viên thì hình như lời phát biểu của tôi không được nghe. Vậy tôi vào đoàn thể là để mong ước được điều gì? Nếu ngay chính tôi đã từ đầu không có tinh thần tích cực đóng góp và chỉ mong tìm lợi ích cá nhân cho tôi mà thôi! Một cộng đoàn mà có nhiều thành phần như thế thì thử hỏi cộng đoàn ấy sẽ sống được bao lâu? Nếu chúng ta không biết trả cho nhau những gì mình lấy của nhau?

Như tất cả những ai sống trên đất nước Hoa Kỳ thì đều hiểu rằng tiền thuế ta đóng góp trong mỗi cái check lương hằng 2 tuần hay 1 tháng là cho những gì khi về già ta được hưởng tiền hưu trí và là đang đóng góp những gì giúp ích cho xã hội bây giờ. Tiền thuế tất cả chúng ta có đóng góp, một phần giúp vào trợ cấp cho những gia đình nghèo lợi tức dưới mức trung bình. Giúp trả cho họ tiền nhà, tiền chợ, bảo hiểm sức khoẻ, nuôi con nít đi học ăn không tốn tiền. Giúp cho người già nghèo trên 65 tuổi có tiền hằng tháng, ở không tốn tiền, bảo hiểm sức khoẻ, có nơi nuôi cho ăn sáng ăn trưa. Và còn rất nhiều những dịch vụ khác mà tôi không biết đến. Đường xá được tu sửa khi bị nứt nẻ và ổ gà quá nhiều .... Còn những ai có mua nhà và hằng năm phải đóng thuế nhà thì chúng ta cũng có quyền được hưởng những cái công viên để đem gia đình đến đó chơi cuối tuần, hoặc cần đến thư viện để tìm sách về đọc mà không tốn tiền.

Vậy thì nếu tôi là một công dân, một người cha, mẹ, chồng, vợ, con, ông, bà, học sinh, thầy giáo, cô giáo, công nhân, hiệu trưởng, bác sĩ, luật sư, kỹ sư, các chuyên gia, các linh mục, các sơ, tu sĩ nam nữ, v.v.... tôi phải có bổn phận và trách nhiệm gì để đóng góp cho gia đình tôi, cho xã hội, quốc gia, và cho tất cả anh chị em tôi, để tôi được góp phần vào sự chung xây gầy dựng một thế giới tốt lành và hạnh phúc hơn.

Ước mong sao tôi và anh chị em, chúng ta luôn luôn siêng năng đọc, nghe, và thấm nhuần Lời của Chúa, để chúng ta thực thi những Lời dậy báu bổ của Ngài, làm cho cuộc đời của chính chúng ta luôn thăng hoa, tốt lành, và tốt đẹp. Cuộc sống hằng ngày của chúng ta sẽ được vui hơn, trẻ hơn, an bình hơn, và hạnh phúc hơn, vì chúng ta luôn có sự quan tâm cho nhau. Để Lời của Chúa không bị mai một và Ngài cũng không thất vọng trên con cái của Ngài là hãy trả cho nhau những gì chúng ta thuộc về nhau. Bởi nơi đâu có sự hợp quần, hiệp nhất, và thống nhất thì nơi đó sẽ có thêm sức mạnh. Do đó một cây thì chẳng nên non nhưng ba cây chụm lại nên hòn núi cao, và Lời của Chúa giêsu hôm nay là của Caesar thì hãy trả lại cho Caesar có nghĩa là vậy, thưa anh chị em!

"Những gì của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa" đây mới là câu nói mà Chúa Giêsu muốn chúng ta hiểu sao theo ý của Ngài!? Bởi có gì mà chúng ta có thể trả lại cho Ngài được đây so với tình yêu thương vô bờ bến của Đức Chúa Cha khi Ngài tạo dựng nên chúng ta từ bụi đất. Ngay một hơi thở mà giả sử chúng ta phải bỏ tiền mua để được sống, chắc hẳn con người sẽ chết như rơm như rạ và chỉ những người giầu có mới còn tồn tại trên trái đất này mà thôi, nhưng cũng trong giới hạn, phải không thưa anh chị em!? Rồi thì nước uống cũng thế! Thực phẩm không quan trọng cho sự sống của chúng ta ư!? Nhiều nhiều lắm không thể nào chúng ta có thể liệt kê sao cho hết được những gì Ngài ban cho chúng ta nhưng không và tất cả đều quan trọng như nhau cho cuộc sống ngày lại ngày của chúng ta.

Lậy Thiên Chúa Toàn Năng Luôn Yêu Thương!

Biết lấy gì cảm mến? Biết lấy chi đáp đền? Hồng Ân Chúa vô bờ bến Chúa đã làm cho tất cả chúng con. Trả lại cho Chúa biết lấy gì cho tương xứng đây!? Khi Ngài yêu thương chúng con từ nguyên thủy và muôn đời. Chúng con là chi ngoài thân phận của bụi đất là một trong những tác tạo vô cùng của Ngài. Chúng con là chi mà để Chúa Cha yêu thương đến đỗi ban con một của Ngài cho trần gian. Sống một cuộc đời nghèo khổ từ khi phôi thai trong cung lòng của Đức Trinh Nữ Maria. Được sinh ra trong một hang đá và nằm nôi là máng cỏ với rơm. Lớn lên và được nuôi dưỡng bởi cha mẹ nghèo của Ngài chỉ sống bằng cái nghề thợ mộc chẳng là gì trong xã hội. Theo thời hạn định, Ngài Giêsu giã từ cha mẹ của mình lên đường rày đây mai đó để rao giảng Phúc Âm cho muôn dân biết tìm kiếm Nước Thiên Chúa và Người Cha của Ngài trên Thiên Quốc. Chính Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa, mà Ngài cũng không có nơi để gối đầu.

Sau cùng để cho chương trình của Thiên Chúa được hoàn tất, Ngài Giêsu vô tội đã bị các kỳ lão đến bắt, chịu bao nhiêu khổ nạn, và sau cùng bị chết treo trên Thập Giá vì tội lỗi của nhân loại chúng ta gây nên. Ngày thứ ba Ngài sống lại theo Lời Thánh Kinh. Ngài Lên Trời ngự bên Hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng. Ngày sau bởi Trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết. Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần. Tôi tin có Hội Thánh hằng có ở khắp thế này, các Thánh thông công. Tôi tin phép tha tội. Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy, Amen.

Vâng, thưa anh chị em! Có phải chúng ta thiếu nợ Chúa đến muôn thuở muôn đời hay không, và không gì mà chúng ta làm có thể Trả cho Thiên Chúa được hết. Từ đời cha ông cho đến đời con cháu của chúng ta sau này. Có phải để làm đẹp lòng Thiên Chúa và được Nước Trời là chúng ta luôn biết sống nghe Lời Ngài và thực thi Lời của Ngài dậy trên anh chị em của chúng ta. Bởi Thiên Chúa Ngài chỉ trông đợi ở chúng ta làm được 2 điều chính yếu trong cuộc đời trần thế này mà thôi là Trước Kính Chúa trên hết mọi sự sau lại yêu người như mình ta vậy, Amen.


Y Tá Của Chúa,
Tuyết Mai

Sống trung thực

14/10/11

Thứ sáu tuần 28 tn

Th. Calíttô, giáo hoàng, tử đạo

Lc 12,1-7



Sống trung thực


“Anh em phải coi chừng men Pharisêu, tức là thói đạo đức giả.” (Lc 12,1b)

Suy niệm: Xưa nay, trung thực được đề cao như một trong những đức tính tốt đẹp nhất của người ViệtNam. Cha ông chúng ta thường nói: “Ăn mặn nói ngay hơn ăn chay nói dối” để cho thấy thói giả hình có thể len lỏi vào cả lãnh vực đạo đức nhất và nhất là nó đáng ghét đến chừng nào. Nhưng nhìn vào thực trạng xã hội ViệtNam hiện nay, sự giả dối lan tràn đến nỗi lòng can đảm sống trung thực dường như không còn chỗ đứng. Người ta đua nhau chạy theo lối sống giả tạo: làm hàng giả hàng nhái sao cho vốn ít mà lời nhiều; những quan chức cao cấp ung dung “xài” bằng giả để giữ “ghế” của mình; bệnh “thành tích” đang lan tràn ngay trong chốn mô phạm là nơi vốn phải dạy cho con em sống trung thực…. Bệnh giả hình, điển hình nơi những người Pharisêu, quả là một thứ “men” nguy hiểm mà Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ phải luôn đề cao cảnh giác để nó khỏi lấn át những giá trị đạo đức mà lẽ ra phải được tôn trọng như tính trung thực và lòng can đảm.
Mời Bạn: Đứng trước mối đe doạ là ý thức sống trung thực có nguy cơ bị biến mất trong xã hội hiện nay, các kitô hữu được mời gọi “lội ngược dòng với thế gian”, để trở nên chứng tá của Tin Mừng Chúa Kitô: can đảm từ chối những quyến rũ của sự dối trá, cương quyết bảo vệ giá trị của sự chân thật ngay trong cuộc sống đời thường của mình.
Chia sẻ một cảm nghiệm của bạn khi phải đối đầu với cám dỗ của “men” dối trá.
Sống Lời Chúa: Làm mọi việc dưới cái nhìn của Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con lòng can đảm, để con dám sống cho chân lý của Chúa mọi lúc và mọi nơi.

Lịch Việt Nam trên Desktop phiên bản 4.0

Lịch Việt Nam trên Desktop phiên bản 4.0


Chào các bạn !
mình xin giới thiệu đến các bạn phần mềm lịch trên desktop 4.0 hiển thị cả lịch dương và lịch âm.(của tác giả PHAN HẢI TÚ)
có một số thay đổi so với phiên bản 3.0 như sau:
1.chỉnh sửa và tối ưu lại các chức năng đã có trong phiên bản 3.0.
2.sửa lỗi cho phần hiển thị lịch tháng.
3.sửa lỗi cập nhật dữ liệu của phần dự báo thời tiết.
4.thêm chức năng tra cứu ngày dương lịch bằng âm lịch.
5.chỉnh sửa chức năng tự động cập nhật phần mềm.
6.tối ưu chức năng tự động cập nhật,tránh quá tải trên trang web Giải pháp Công Nghệ Thông Tin - www.serversofts.com.
và đây là link tải phần mềm:

Vietnamese Calendar v4.0.0 Installer.rar


có thể là các bạn sẽ thấy nó hữu ích với mình.
thân chào các bạn!

Đừng tự vất bỏ giá trị sâu xa

Đừng tự vất bỏ giá trị sâu xa


Người biết suy tư thường dị ứng với những câu khẩu hiệu rỗng ruột. Người tín hữu giáo dân biết suy tư cũng dị ứng với những khẩu hiệu, dù khẩu hiệu ấy có thể cắt nghĩa nhiều cách. “Tốt đời đẹp đạo” chẳng hạn, là lối nói muốn cho đẹp lòng thế gian hơn là làm Thiên Chúa hài lòng.
Đọc những câu khẩu hiệu ở các cơ sở Công giáo, người ta tự hỏi sao không dùng Lời Chúa, có sức thu hút, có tầm vóc cao cả và có sức sống? “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc” chẳng hạn, nghe cũng còn đỡ hơn nhiều, nhưng vẫn không quen như chính Lời Chúa: “Các con là ánh sáng thế gian”.
Sống Phúc Âm là chiếu ánh sáng vào thế gian vốn tối đen này, là cách để Phúc Âm hoá cuộc đời. Nhưng Phúc Âm hoá là gì? Hội Thánh, bằng giáo huấn xã hội của mình, công bố:
“Phúc Âm hoá xã hội có nghĩa là đưa vào tâm hồn con người sức mạnh của ý nghĩa và sự tự do tìm thấy trong Tin Mừng, để xây dựng một xã hội phù hợp với con người, vì phù hợp với Đức Kitô: có nghĩa là xây dựng một đô thị cho con người có tính người hơn bởi vì nó phù hợp hơn với Nước Chúa.” (số 63)
Có ba yếu tố: tự do – có tính người – vì phù hợp với Đức Kytô và Vương quốc của Người. Giáo Hội dùng cách nói súc tích ấy để chuyển tải chính sứ điệp của Tin Mừng: “Ta đến để chúng được sống và sống dồi dào”.
Những xáo trộn trong xã hội, sự lung lay các nền tảng, sự đánh tráo các chuẩn mực... đều bắt nguồn từ việc loại trừ Thiên Chúa. Tin Mừng chuyển tải sứ điệp yêu thương, tự do và sự thật. Khi né tránh Tin Mừng của Chúa, người ta đánh mất những giá trị ấy.
Hội Thánh vẫn không ngừng dạy cho con cái mình hiểu và sống sự thật này: xã hội chỉ có tính người khi nó phù hợp với Nước Chúa. Sự sống và nhân phẩm là quà tặng của Thiên Chúa, gắn liền với siêu việt tính của Ngài là Đấng tạo thành con người. Nhưng quả đáng buồn, nhiều người từ chối ân huệ đó.

Trong xã hội, có nhiều người hiểu biết, có học, có kinh nghiệm, vẫn chạy theo những ảo ảnh và chối bỏ chính mình cùng những giá trị cao quí Chúa ban cho mình. Khai lý lịch không có Đạo chẳng hạn, để có chỗ đứng trong xã hội. Nhưng đứng mà làm gì khi chính mình từ chối giá trị sâu xa của mình.
Từ bỏ chỗ đứng hướng về siêu việt của mình, con người cũng sẽ tự tách ra khỏi đoàn người đã khởi hành đi về với ơn Cứu chuộc. Và do vậy, những tương quan xã hội cũng gãy đổ. Tiếng nứt vỡ của những bàn tay đan nhau gây cho thế giới cơn rúng động rợn người.
Giáo huấn Xã Hội Công giáo dạy: “Khi loan báo Tin Mừng, Giáo Hội “làm chứng cho con người nhân danh Đức Kitô, làm chứng cho phẩm giá và thiên chức của con người là hiệp thông với những người khác. Giáo Hội dạy cho con người biết những đòi hỏi của công lý và hoà bình phù hợp với sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (số 63)
Thật tuyệt vời khi Giáo Hội chỉ rõ ra rằng khi con người hiệp thông với nhau, họ có cơ may và có sự hướng dẫn để nhận ra công lý và hoà bình “phù hợp với sự khôn ngoan của Thiên Chúa”. Vua Salomon ngày xưa đã đi tìm sự khôn ngoan nơi Thiên Chúa, nên công lý hoà bình cũng ngự trị trong vương quốc của ông. Và khi ông bắt đầu xa rời sự khôn ngoan ấy, thì triều đại của ông cũng dần dần tàn lụi.
Có những con người chưa nhận biết Chúa, nhưng họ vẫn sống theo lương tâm ngay chính. Giáo Hội dạy rằng chỉ với ánh sáng lý trí, con người cũng có thể nhận biết sự hiện hữu của Thiên Chúa. Và sự nhận biết chung chung về Đấng Tối Cao cũng đồng thời chiếu cho con người ánh sáng bên trong để họ hành xử phù hợp với nhân vị và phẩm giá của mình.
Tiếc rằng, và thật rất tiếc, có những người đã được ân huệ đi vào mối thân tình với Chúa qua Đức Giêsu, lại bằng cách này cách khác bắt tay với các quyền lực chống lại Ngài. Phải chăng cách sống Đạo qua khẩu hiệu cộng với những mồi nhử thế gian làm con người quên mất địa vì mình.
Thời bây giờ có một lối nguỵ biện rất lạ đời. Khi người ta làm điều sai lạc hoặc đi theo thần dữ, nếu có ai lên tiếng thì họ lại bảo phải thông cảm và chấp nhận sự khác biệt. Cái nguy hiểm là người ta không phân biệt “sự khác biệt” và “sự đúng sai”.
Khái niệm “khác biệt” chỉ chấp nhận được khi cả hai đều đúng nhưng cách thể hiện khác nhau. Còn một bên ủng hộ công lý hoà bình, bên kia ủng hộ cái ác và cái sai thì không thể dùng khái niệm “khác biệt” để giải thích hay biện hộ.
Giáo Hội dạy “làm chứng cho phẩm giá và thiên chức của con người”, mà lại đi làm chứng cho những nỗ lực hạ thấp phẩm giá và thiên chức ấy, thì không còn là vấn đề “khác biệt”, mà là vấn đề của luân lý và chân lý.
Ước chi thế gian sớm nhận ra mình được mời gọi để được cứu. Và ước chi con người đừng đứng về phía bóng tối, đừng ủng hộ bóng tối, bởi không có bóng tối nào dày đặc đến đâu lại có thể giữ được chính mình trước ánh sáng rạng ngời của Thiên Chúa là Chúa muôn loài.




Gioan Lê Quang Vinh, VRNs