Thứ Tư, 12 tháng 10, 2011

đức thánh cha viếng thăm đan viện chatreux san bruno





Đức Thánh Cha viếng thăm Đan viện Chatreux San Bruno

SERRA SAN BRUNO - Chiều Chúa Nhật 9-10-2011, ĐTC Bênêđictô XVI đã viếng thăm Đan viện Dòng Chatreux ở Serra San Bruno và ngài đặc biệt đề cao giá trị của đời tu chiêm niệm.
Sáng Chúa Nhật 9-10, ĐTC Bênêđictô XVI đã cử hành Thánh lễ tại Giáo phận Lamezia Terme ở miền nam Italia với sự tham dự của 100.000 tín hữu. Ban trưa ngài dùng bữa tại Toà GM địa phương với 18 giám mục thuộc miền Calabria, với một thực đơn đơn sơ, giống như thực đơn của những người nghèo tại Trung tâm Caritas gần đó.
Lúc gần 5 giờ chiều, ĐTC đáp trực thăng đến thị trấn Serra San Bruno và từ đây ngài đến Đan viện của Dòng Chartreux vào lúc 5 giờ 30. Bầu trời mưa nhẹ và lạnh, nhưng cũng có 30.000 người cùng với chính quyền tụ tập tại Quảng trường Thánh Stefano trước Đan viện để chào thăm ĐTC. Liền đó ngài tiến vào bên trong Đan viện.
Serra San Bruno
Serra San Bruno có nguồn gốc từ Thánh Bruno ẩn sĩ. Thánh nhân sinh cách 981 năm, tức là năm 1030, ở thành phố Koeln, Đức, trong một gia đình quý tộc. Ngài theo học tại trường Nhà thờ Chính toà Giáo phận Reims, Pháp, và lưu lại địa phương trong 30 năm trời, kể từ năm 1057, thi hành chức vụ do Đức TGM Gervais uỷ thác, đó là làm Giám đốc Trường Nhà thờ Chính toà. Trong số các môn sinh của ngài, có nhiều người làm giám mục và một vị làm giáo hoàng là Chân phước Urbano II.
Sau khi Đức TGM Gervais của Giáo phận Reims qua đời, có một linh mục bất xứng tên là Manasse đã mánh mung, mua chuộc nhiều giáo sĩ và trở thành TGM Giáo phận Reims. Thánh Bruno dần dần quyết liệt chống đối những hành vi bất xứng này và đã vận động Toà Thánh cách chức Manasse vào năm 1080. Nhưng trước đó ngài đã bị giám mục này trả thù nên thánh nhân phải tị nạn tới lãnh địa của Bá tước Ebal de Roucy.
Trong những năm khó khăn ấy, ơn gọi sống đời chiêm niệm nảy sinh trong tâm hồn thánh Bruno. Thánh nhân đã khước từ đề nghị trở thành TGM Reims thay thế Manasse. Về sau cùng với một số bạn đồng chí hướng, ngài thành lập Đại đan viện Chartreux bên Pháp vào năm 1084 trong rặng núi Alpes ở cao độ 1.175 mét, gần thành phố Grenobles ngày nay.

6 năm sau đó, ĐGH Urbano II, cựu môn sinh của Thánh Bruno, gọi ngài về Rôma để phục vụ Toà Thánh. Thánh nhân vâng lời rời bỏ Đan viện ra đi. Nhưng rồi ĐGH Urbano đã phải chạy khỏi Rôma vì Hoàng đế Henrico IV của Đức và nguỵ Giáo hoàng Clemente III xâm chiếm nước Toà Thánh. Thánh Bruno cùng với triều đình của ĐGH di tản xuống miền nam Italia. Theo đề nghị của ĐGH, Kinh sĩ đoàn Tổng Giáo phận Reggio Calabria đã bầu Cha Bruno làm TGM Giáo phận địa phương, nhưng ngài từ chối vì lòng yêu mến ơn gọi chiêm nhiệm và ước muốn sớm tìm lại sự cô tịch và thinh lặng mà tâm hồn ngài vẫn ao ước.

Cha Bruno đã được phép ĐGH rút lui vào đời sống cô tịch trên vùng lúc đó mới được Bá tước Ruggero d'Altavilla chinh phục. Vị bá tước quảng đại này đã tặng cho Cha Bruno một khu vực tại nơi gọi là Torre, ở cao độ 850m, giữa miền ngày nay là trung nam Calabria. Tại đây, thánh nhân thành lập chiếc am Santa Maria, trong khi tại thung lũng cách đó hơn 2 cây số, các thầy trợ sĩ thành lập Đan viện Thánh Stephano, ngày nay là Đan viện Chartreux.
Thánh Bruno qua đời ngày 6-10-1101. Ngày 19-7-1514, ĐGH Lêo X cho phép tôn kính Thánh Bruno và năm 1623, Đức Giáo hoàng Gregerio XV thiết lập lễ kính thánh nhân trong toàn thể Giáo Hội vào ngày 6-10 hằng năm. Ngày nay, Đan viện nói trên được gọi là Đan viện Chartreux Thánh Stephano và Bruno.
Cách đây 27 năm, Đức Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đến viếng thăm Đan viện ở Serra San Bruno, nhân dịp kỷ niệm 900 năm thành lập Dòng Chartreux. Trong dịp này, ngài nhắn nhủ các Đan sĩ rằng: “Trong an tịnh của Đan viện, có niềm vui được chúc tụng Thiên Chúa, sống trong Chúa, nhờ Chúa và cho Chúa (…). Anh em hãy làm chứng bằng cuộc sống về tình yêu Chúa. Thế giới đang nhìn anh em, và có lẽ vô tình, họ chờ đợi nhiều nơi đời sống chiêm niệm của anh em. Anh em hãy tiếp tục đặt dưới mắt thế giới sự “khiêu khích” của một lối sống tuy có những đau khổ, cô độc và thinh lặng, nhưng đang làm vọt lên nơi anh em một nguồn mạch vui tươi luôn mới mẻ”.
Kinh Chiều tại Đan viện
Đến trước cửa Đan viện, ĐTC đã được Cha Bề trên Jacques Dupont, người Pháp, tiếp đón, và cùng với ngài tiến vào Nhà thờ của Đan viện để hát Kinh Chiều với cộng đoàn.
Trong bài giảng, sau khi nhắc đến cuộc viếng thăm của vị tiền nhiệm, Đức Gioan Phaolô II tại Đan viện Chartreux này ngày 5-10-1984 nhân dịp kỷ niệm 900 năm thành lập Dòng Chartreux, ĐTC đặc biệt đề cao đặc tính của dòng: “Từ bỏ những thực tại phù du và tìm cách nắm bắt vĩnh cửu. Qua lối diễn tả này, trong lá thư mà vị sáng lập Dòng Anh em gửi Cha Quản hạt Rodolfo của Nhà thờ Chính toà thành Reims, có cô đọng nòng cốt linh đạo Dòng Anh em (x. Lettera a Rodolfo, 13): ước muốn nồng nhiệt được sống kết hợp với Chúa, loại bỏ mọi thứ khác, bỏ tất cả những gì ngăn cản sự hiệp thông ấy và để cho mình được tình yêu vô biên của Thiên Chúa nắm bắt, hầu chỉ sống bằng tình yêu ấy. Anh em thân mến, anh em đã tìm được kho tàng giấu ẩn, viên ngọc rất quý giá (x. Mt 13,44-46); anh em đã quyết liệt đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Nếu anh muốn nên trọn lành, hãy đi và bán những gì anh có, phân phát cho người nghèo và anh sẽ được một kho tàng trên trời, rồi đến đây theo tôi” (Mt 19,21). Mỗi đan viện, nam hay nữ, đều là một ốc đảo trong đó với kinh nguyện và suy niệm, các đan sĩ không ngừng đào thêm chiếc giếng sâu, từ đó kín múc nước trong mát cho cơn khát sâu đậm nhất của chúng ta. Nhưng Đan viện Chartreux là một ốc đảo đặc biệt, trong đó thinh lặng và cô tịch được chăm sóc, giữ gìn, theo lối sống đã được Thánh Bruno khởi xướng và vẫn giữ nguyên qua dòng thời gian. “Tôi ở trong sa mạc với anh em”, đó là câu súc tích mà vị sáng lập dòng của anh em đã viết (Lettera a Rodolfo, 4). Cuộc viếng thăm của người kế vị Thánh Phêrô tại Đan viện Chartreux lịch sử này nhắm củng cố không những anh em sống tại đây mà cả toàn dòng nữa trong sứ mạng đặc thù, một sứ mạng có tính chất thời sự và ý nghĩa hơn bao giờ hết, trong thế giới ngày nay.
Tiến bộ kỹ thuật, nhất là trong lĩnh vực giao thông và thông tin, đã làm cho đời sống con người thoải mái tiện nghi hơn, nhưng con người cũng bị kích thích, nhiều khi co quắp hơn. Thành thị hầu như luôn luôn ồn ào, trong đó ít khi có thinh lặng, vì vẫn luôn có tiếng ồn âm ỉ, tại một số vùng, kể cả ban đêm. Rồi trong những thập niên gần đây, sự phát triển các phương tiện truyền thông đã phổ biến và làm gia tăng hiện tượng đã manh nha từ thập niên 1960: đó là hiện tượng tiềm thể có nguy cơ thống trị thực tại. Và càng ngày càng có những người chìm đắm trong chiều kích tiềm thể, mà họ không nhận thấy, vì những sứ điệp thính thị tháp tùng họ từ sáng đến tối. Những người trẻ hơn, sinh ra trong hoàn cảnh đó, dường như muốn lấp đầy mọi lúc trống rỗng bằng âm nhạc và hình ảnh, như thể họ sợ cảm thấy sự trống rỗng ấy. Đó là một xu hướng vốn hiện hữu, nhưng nhất là nơi người trẻ và trong bối cảnh thành thị, ngày càng phát triển hiện nay, nó càng gia tăng tới mức độ người ta nói là một sự biến chuyển về nhân loại học. Một số người không còn khả năng ở lâu trong thinh lặng và cô tịch nữa”.
ĐTC nói thêm: “Tôi muốn nói đến hoàn cảnh văn hoá xã hội như thế, vì nó làm nổi bật đoàn sủng đặc biệt của Dòng Chartreux như một món quà quý giá cho Giáo Hội và thế giới, một món quà chứa đựng sứ điệp sâu xa cho đời sống chúng ta và cho toàn nhân loại. Tôi tóm tắt thế này: khi lui vào thinh lặng và cô tịch, có thể nói con người trực diện với thực tại trần trụi của mình, đối diện với cái có vẻ là trống rỗng mà tôi vừa nói, để cảm nghiệm sự sung mãn, sự hiện diện của Thiên Chúa, thực tại đích thực nhất, và vượt xa hơn chiều kích cảm giác. Đó là một sự hiện diện có thể nhận thấy được nơi mọi thụ tạo: trong không khí mà chúng ta hít thở, trong ánh sáng mà chúng ta thấy và sưởi ấm chúng ta, trong cỏ cây, nơi các tảng đá. Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo vạn vật, đi qua mọi sự, nhưng đi xa hơn nữa, và chính vì thế, Ngài là nền tảng của mọi sự. Khi từ bỏ tất cả, đan sĩ có thể nói là “liều”: đan sĩ trực diện với cô tịch và thinh lặng để không thấy gì khác hơn là điều thiết yếu, và chính khi sống trong điều thiết yếu ấy, đan sĩ cũng tìm lại được sự hiệp thông sâu xa với anh em mình, nơi mọi người”.
ĐTC cũng cảnh giác rằng có thể có người nào đó nghĩ rằng chỉ cần đến đây là cảm nghiệm bước nhảy vọt như thế, nhưng không phải như vậy. Ơn gọi này, cũng như mọi ơn gọi, tìm được câu trả lời trong một hành trình, trong sự tìm kiếm trọn cuộc sống. Không phải chỉ cần rút lui vào một nơi như Đan viện này là học được cách ở trước mặt Thiên Chúa. Cũng như trong hôn nhân, không phải chỉ cử hành Bí tích Hôn Phối là thực sự hai người trở nên một, nhưng cần phải để cho ơn thánh của Chúa tác động và cùng nhau tiến bước trong cuộc sống hằng ngày của đời sống vợ chồng, cũng vậy trở nên đan sĩ đòi phải có thời gian, luyện tập, kiên nhẫn, “trong một sự cảnh giác kiên trì thần linh - như Thánh Bruno đã quả quyết - chờ đợi Chúa trở về thì mở cửa ngay” (Lettera a Rodolfo, 4); và vẻ đẹp của mỗi ơn gọi trong Giáo Hội hệ tại điều này là: dành thời giờ cho Chúa hoạt động với Thánh Linh của Ngài và cho nhân tính của mình được hình thành, tăng trưởng theo mẫu mực sự trưởng thành của Chúa Kitô, trong bậc sống đặc biệt này. Nhiều khi dưới mắt thế gian, dường như không thể ở trong một đan viện suốt đời, nhưng trong thực tế, trọn cuộc đời mới chỉ vừa đủ để bước vào sự kết hợp với Thiên Chúa, trong Thực Tại thiết yếu và sâu xa là Chúa Giêsu Kitô”.
Và ĐTC kết luận: “Anh em thân mến là những người họp thành cộng đoàn Chartreux ở Serra San Bruno này, chính vì thế tôi đến đây để nói với anh em rằng Giáo Hội đang cần anh em, và anh em cũng cần Giáo Hội. Chỗ đứng của anh em không phải là ở ngoài lề: không có ơn gọi nào là ở ngoài lề Dân Chúa cả: chúng ta là một thân mình duy nhất, trong đó mỗi phần tử đều quan trọng và có cùng phẩm giá như nhau, và không thể tách rời khỏi toàn thể. Cả anh em, là những người đang tự nguyện sống cô lập, trong thực tế anh em ở trong con tim của Giáo Hội, và làm cho dòng máu tinh tuyền của sự chiêm niệm và tình yêu Thiên Chúa lưu thông trong các huyết mạch của Giáo Hội”.
“Thánh Giá của Chúa Kitô là điểm đứng yên giữa những thay đổi và đảo lộn của thế giới. Cuộc sống trong một Đan viện Chartreux dự phần vào sự cố định ấy của Thánh Giá, là sự cố định của Thiên Chúa, tình yêu trung tín của Ngài. Hỡi anh em Chartreux quý mến, khi tiếp tục kiên vững hiệp nhất với Chúa Kitô, như những cành nho gắn liền với gốc nho, cả anh em cũng kết hiệp với mầu nhiệm cứu độ, như Đức Trinh Nữ Maria nơi Thánh Giá, hiệp với Chúa Con trong hiến tế tình yêu. Như Mẹ Maria và cùng với Mẹ, cả anh em cũng được tháp nhập sâu xa vào trong Mầu nhiệm Giáo Hội, là bí tích kết hiệp của con người với Thiên Chúa và giữa họ với nhau. Qua đó anh em cũng đặc biệt gần gũi với sứ vụ của tôi. Xin Mẹ Chí Thánh của Giáo Hội gìn giữ anh em, và xin Thánh Bruno từ trời cao luôn chúc lành cho cộng đoàn của anh em.
Sau khi ban phép lành, ĐTC còn đứng lại trong nhà thờ của Đan viện bắt tay chào thăm từng đan sĩ trước khi đáp trực thăng đến đến phi trường thành phố Lamezia Terme, và từ đây ngài đáp máy bay trở về Rôma khoảng 9 giờ tối cùng ngày.


G. Trần Đức Anh OP

0 nhận xét:

Đăng nhận xét