Thứ Hai, 24 tháng 10, 2011

Sứ vụ giới trẻ trong việc tái rao giảng tin mừng


Hãy nỗ lực để dẫn những người trẻ quay về với Chúa Kitô!



Sứ vụ giới trẻ trong việc tái rao giảng Tin Mừng



Suy tư nhân Ngày Thế giới Truyền giáo


(EMTY) - Gần đây, một số cụm từ như “truyền giáo, tái truyền giảng Tin Mừng, tân Phúc Âm hoá…” được nhắc đến trong bối cảnh cội nguồn Kitô giáo tại một số quốc gia, châu lục đang bị xói mòn do các trào lưu thế tục, hưởng thụ lấn lướt. Đức Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã từng cảnh báo về mối nguy của nền “văn hoá sự chết” do sự xa rời nền tảng Kitô giáo, và Đức đương kim Giáo hoàng Bênêđictô XVI không ngừng cổ vũ cho việc “tái truyền giảng Tin Mừng”.

Nền “văn hoá sự chết” không phải là chuyện xảy ra ở nơi góc biển chân trời nào mà nhan nhản ngay tại quê nhà, khi mà “lương tâm giá bèo hơn lương thực!”, đạo đức suy đồi, giáo dục bất cập, y đức bị xem nhẹ, nạn phá thai tràn lan! Một tầng lớp “tương lai của xã hội” đang đi vào và ngụp lặn trong nền “văn hoá sự chết” là một hệ luỵ bi thương. Lời mời gọi khẩn thiết để khôi phục lương tâm, đạo đức và niềm tin Kitô giáo chính là sứ vụ “tái truyền giảng Tin Mừng”.


Vậy, “truyền giáo” là gì?

Truyền giáo là sứ vụ trung tâm của Giáo Hội. Đức Giáo hoàng Phaolô VI nói: “Giáo Hội tồn tại để truyền giáo”. Tài liệu “Go and Make Disciples - Hãy đi và trở thành những môn đệ” của Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ mô tả việc truyền giáo là “đem Tin Mừng Chúa Giêsu vào mỗi hoàn cảnh của con người và mong mỏi biến đổi các cá nhân và xã hội nhờ quyền lực thần linh của chính Tin Mừng. Bản chất của truyền giáo là công bố ơn cứu độ nhờ Chúa Giêsu Kitô và sự đáp trả của một con người trong đức tin, cả hai đều là công việc của Thần Khí Thiên Chúa”. Việc truyền giáo tốt nhất chính là loan truyền và làm chứng nhân cho Tin Mừng.


Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã thường xuyên nói đến việc cần thiết về một công cuộc “tân Phúc Âm hoá”. Còn Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI thì nói rằng truyền giáo có nghĩa là giới thiệu một “nghệ thuật sống - art of living”. Nếu truyền giáo là một “nghệ thuật” thì những nghệ nhân truyền giáo chính là những vị thánh. Các thánh là hình ảnh thật đẹp. Cuộc sống của các ngài đầy thuyết phục và hấp dẫn. Đức Gioan Phaolô II và Bênêđictô XVI đã khuyến khích những người trẻ của thế giới trở thành những vị thánh của công cuộc tân Phúc Âm hoá. Mục đích của những lần tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới hẳn không còn xa lạ.


Về bản chất, truyền giáo mới không “mới” ở nội dung, nhưng mới trong cách truyền đạt và cách làm nhân chứng trong thời hiện đại. Tuy nhiên, về cơ bản, công cuộc “tân Phúc Âm hoá” có nghĩa là mở ra nguồn khôn ngoan của Giáo Hội, đã có từ hơn 2.000 năm nay, cho những người của thời đại ngày nay, để giới thiệu cho họ những gì Giáo Hội đã chỉ dẫn để sống một cuộc sống đầy ý nghĩa và có được nguồn hạnh phúc đích thực. Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI nhắc nhở chúng ta rằng “nghệ thuật sống này chỉ có thể được truyền đạt từ một Con Người là Nguồn Sự Sống - Người mà Tin Mừng nêu danh - chính là Chúa Giêsu Kitô”.


Ngày nay, những gì thế giới cần là có thêm những vị thánh!


Sứ vụ Giới trẻ (Youth Ministry) là một hoạt động truyền giáo. Mục tiêu của chúng ta là rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho những người trẻ; không phải chỉ vì chúng ta thích và tín nhiệm sứ vụ này, nhưng vì chúng ta xác tín rằng những người trẻ có quyền được nghe Tin Mừng và chúng ta có nghĩa vụ chia sẻ với họ.


Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II thường nói về “văn hoá sự chết”. Thanh thiếu niên ngày nay có lẽ là “thị trường” béo bở cho một nhóm người trong lịch sử nhân loại. Họ đang bị bủa vây bởi nhiều thông điệp khác nhau. Có nhiều tiếng nói đã đánh lạc sự chú ý của họ. Có nhiều hệ tư tưởng, triết lý, thế giới quan và nhân sinh quan trái ngược với Tin Mừng, với sự sống đích thực và với mục đích tối thượng của họ. Thanh thiếu niên của chúng ta cần tiếp xúc nhiều với Tin Mừng hơn là chỉ 1 giờ mỗi tuần.


Sứ vụ Giới trẻ cần được ưu tiên để dẫn đưa thanh thiếu niên đến với Chúa Kitô, không chỉ đơn thuần qua lý thuyết trừu tượng hay cảm tính, mà là đến với một Chúa Kitô thật, Đấng khai sinh Giáo Hội và hiện diện trong đời sống của Giáo Hội và các Bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể. Sứ vụ Giới trẻ phải giúp đào tạo người trẻ và qua họ đổi mới nền văn hoá cho giới trẻ hiện đại, từ nền “văn hoá sự chết” thành nền “văn hoá sự sống” và “văn minh tình thương”.


Hãy nỗ lực để dẫn những người trẻ quay về với Chúa Kitô!






Hùng Nguyễn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét