Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2012

Bánh Bởi Trời

CN 17 TN/ B
Bài đọc 1: ( 2V. 4: 42-44)
Bài đọc 2: ( Ep. 4: 1- 6)
Tin Mừng : ( Ga. 6: 1-15)



“ CÁC CON HÃY CHO HỌ ĂN”





“ Người ta ăn rồi mà hãy còn dư”. Đó lời Thiên Chúa nói cùng người của Ngài là Tiên tri Êlisa trong sách Các Vua, quyển thứ hai: Có một người từ Baal-Salisa mang đến dâng cho người của Thiên Chúa bánh đầu mùa, hai mươi chiếc bánh mạch nha và lúa mì đầu mùa. Người của Thiên Chúa liền nói: “ Xin dọn cho dân chúng ăn”. Đầy tớ của người ấy trả lời: “ Tôi dọn bấy nhiêu cho một trăm người ăn sao?” Nhưng người ấy ra lệnh: “ Cứ dọn cho dân chúng ăn, vì Chúa phán như sau: “ Người ta ăn rồi mà hãy còn dư”. Đoạn người dọn cho họ ăn mà còn dư đúng như lời Chúa phán.( 2V. 4: 42-44)
Đó là sự việc đã xảy ra vào thời Cựu Ước. Vào thời Tân Ước, Chúa Giêsu cũng đã hai lần hóa bánh ra nhiều để nuôi sống hàng ngàn người, vì dân chúng đi theo nghe Ngài giảng dạy mà quên cả ăn.


Lương thực cần dùng.

Con người có hai thứ lương thực cần được thỏa mãn: đó là những thức ăn để nuôi sống thân xác và những thức ăn để bồi dưỡng tinh thần như lời Chúa đã phán: “Người ta sống không nguyên bởi bánh, mà còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” ( Mt. 4:4)

Qua hai lần hóa bánh ra nhiều để cho dân chúng ăn no nê, chứng tỏ sự quan tâm, lo lắng và chăm sóc của Chúa đối với những người theo Ngài.

Dân chúng theo Chúa Giêsu để nghe Ngài dạy dỗ và được chữa lành bệnh tật. Ngài đã cho họ ăn của ăn tinh thần là giáo lý và Lời Chúa; nhưng cũng không quên nhu cầu ăn uống để nuôi sống thân xác của họ. Họ đã say sưa nghe lời Chúa đến cả quên ăn. Và Ngài đã 2 lần hóa bánh ra nhiều để cho họ ăn. Lần thứ 1, ra khỏi thuyền, Ngài thấy dân chúng đông đảo, thì thương xót họ, và chữa những người bệnh tật trong họ và Ngài hỏi Philipphê: “ Ta mua đâu được bánh cho cho những người này ăn?” ( Ga. 6: 5); và lần thứ 2, thấy dân chúng đã ba ngày liền theo Chúa để nghe Ngài giảng dạy và được chữa bệnh, họ đã quên cả ăn; thấy thế Chúa đã chạnh lòng thương, lại không nỡ để cho họ ra về mà bụng đói meo: “Ta thương xót đoàn lũ này, vì đã ba ngày họ ở lại với Ta, nhưng không có gì ăn: Ta không muốn cho họ về bụng đói, sợ họ té xỉu dọc đường”( Mt. 15: 32). “ Các con hãy cho họ ăn”.( Mc. 6:37)

Ngài đã quan tâm, lo lắng chăm sóc cho dân chúng không những của ăn tinh thần mà còn của ăn thân xác.

“Các con hãy cho họ ăn”

Đó là lời Chúa nhắc nhở các môn đệ thực hành nhiệm vụ của mình; đồng thời cũng giao trách nhiệm cho các ông lo cho dân chúng ăn; các ông là người đóng vai trò chủ động trong việc chăm lo ăn uống cho dân chúng: “ Họ chẳng cần phải đi, các con hãy cho họ ăn”.( Mt 14: 16) hay cùng với các ông, chia sẽ nhiệm vụ ấy khi Ngài hỏi Philipphê: “ Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn?” ( Ga. 6: 5). Thế nhưng thái độ của các môn đệ như thế nào?

Phải chăng là trốn tránh trách nhiệm khi đề nghị với Thầy: :“ Đây là nơi hoang địa mà giờ đã chiều rồi: xin Thầy giải tán dân chúng để họ vào các làng mạc mà mua thức ăn”( Mc. 6: 35)

Phải chăng là sợ hao tốn cực nhọc: :“ Chúng con phải đi mua hết hai trăm đồng bạc bánh để phát cho họ ăn ư?”( Mc.6: 37) hay“ Chúng con chỉ có 5 chiếc bánh và hai con cá, trừ phi chúng con phải đi mua thức ăn cho cho cả đám đông này”. ( Lc. 9:13)

Chưa một lần thấy Chúa hoá bánh ra nhiều , thì khi nghe Chúa bảo: “ Các con hãy cho họ ăn” như lần thứ nhất ở giữa hoang địa vắng vẻ thì các ông cảm thấy khó khăn bất lực là phải; nhưng đã một lần thấy Chúa hóa bánh ra nhiều chẳng những cho 5 ngàn người không kể đàn bà và con nít ăn no nê còn thu lại được 12 thúng đầy, sao các ông lại vẫn lập luận như cũ: “ Giữa nơi hoang điạ này, lấy đâu đủ bánh cho họ ăn?” ( Mc. 8: 4). Có lẽ đó là cách biện minh của các tông đồ và của cả chúng ta để tránh né khó khăn, để trốn tránh trách nhiệm trước những nhu cầu của người khác!

Phải lo cho hàng ngàn người không kể đàn bà và trẻ con ăn no giữa nơi hoang địa quả thật là một công việc khó khăn, vượt quá khả năng của các môn đệ. Thế nên các ông đã thú thật với Chúa:“ Chúng con lấy đâu cho đủ bánh trong hoang địa này mà cho ngần ấy dân chúng ăn no?” ( Mt. 15:33)

Nhưng cũng từ cái khó khăn, bất lực, bó tay của các môn đệ mà Chúa đã ra tay can thiệp: “Các con có bao nhiêu bánh?”.
Lần thứ nhất, có 5 chiếc bánh lúa mạch và hai con cá; lần thứ hai, có 7 tấm bánh và mấy con cá nhỏ. Nhưng từ cái “ít ỏi không thấm vào đâu ấy” lại thoả mãn được hàng ngàn người.

Cả bốn tác giả Tin Mừng đều thuật lại việc Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều nơi hoang địa lần thứ nhất; chỉ có thánh Matthêu và thánh Maccô ghi lại lần hóa bánh ra nhiều lần thứ hai. Lần thứ nhất, vỏn vẹn chỉ với 5 chiếc bánh và hai con cá của một em bé mà Chúa đã cung cấp cho 5 ngàn người đàn ông không kể đàn bà và con nít ăn no nê, còn thu lại được 12 thúng đầy bánh vụn. Lần thứ hai, cũng nơi hoang địa, với bảy chiếc bánh và mấy con cá nhỏ, Chúa đã cho 4 ngàn người, không kể đàn bà và con nít ăn no nê, còn thu lại được 7 thúng đầy. Lần nào cũng từ mấy chiếc bánh và mấy con cá mà Chúa đã làm ra nhiều để cho dân chúng theo Ngài ăn no nê.

Ân huệ của Thiên Chúa ban cho con người thật dồi dào!


“Người ta ăn rồi mà hãy còn dư”.

Chúa làm phép lạ không phải từ không ra có, mà từ cái có sẵn ít ỏi “ năm chiếc bánh và hai con cá” Ngài đã hóa ra nhiều để cho hàng người ăn no nê mà hãy còn dư.

Sư phong phú được tăng thêm nhờ sự chia sẻ, phân phát: từ ít ra nhiều.

Sự chia sẻ không phát sinh từ cái không có, nhưng từ cái có sẵn ít ỏi của chúng ta : năm chiếc bánh và hai con cá!
Cái gần như không có gì ấy là tài năng, hiểu biết , sức lực mà chúng ta có được do ân huệ Chúa ban. Chúng sẽ cạn kiệt, nếu chúng ta giữ lại cho mình, nhưng nếu đem ra phân phát rộng rãi, thì cái “gần như không có gì ấy” sẽ được gia tăng.
Cái có sẵn ít ỏi ấy là sự lo lắng quan tâm đến người khác, là lòng trắc ẩn, là “ chạnh lòng thương”.

“Có thực mới vực được đạo”. Đó là một thực tế cuộc sống; chính Chúa cũng đã xác nhận: “Người ta sống không nguyên bởi bánh, mà còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” ( Mt. 4:4).

Suốt ba năm giảng dạy, Chúa Giêsu cung cấp cho dân chúng của ăn tinh thần, nhưng Ngài cũng không quên nhu cầu vật chất của con người. Ngài luôn quan tâm đến hai nhu cầu ấy: chữa bệnh thân xác và chữa bệnh tinh thần, phân phát của ăn vật chất và bồi dưỡng thức ăn thiêng liêng…Tình thương và lòng trắc ẩn trước những nỗi khổ của con người đã thúc đẩy Ngài ra tay hành động.

Trách nhiệm mà Chúa giao phó cho chúng ta qua bài Tin Mừng hôm nay là: “ Các con hãy cho họ ăn”. Chúng ta đóng vai trò chủ động trong việc cung cấp cho dân chúng những nhu cầu thiết yếu của tâm hồn và thân xác; đàng sau, có Chúa trợ giúp.

Là môn đệ của Chúa Kitô, chúng ta cũng phải mang lấy những tâm tình của Thầy: phải có lòng trắc ẩn, biết “chạnh lòng thương”, biết quan tâm, lo lắng đến những đau khổ của anh em. Thể hiện những tâm tình ấy không phải chỉ nói: “ Tội nghiệp quá! Đáng thương quá!” mà phải bằng việc làm.

Quan tâm, lo lắng đến người khác để yêu thương giúp đỡ chứ không phải quan tâm lo lắng đến người khác để xoi mói hơn thua, để ganh tị, bêu xấu hạ nhục người khác để đưa mình lên.


Vào ngày phán xét, Chúa sẽ khen thưởng chúng ta rằng: “ Xưa Ta đói, các người đã cho Ta ăn” hay sẽ lên án chúng ta: “ Xưa Ta đói, các ngươi đã không cho Ta ăn”!


Lm Trịnh ngọc Danh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét