Thứ Năm, 22 tháng 9, 2011

Lời kinh để sống

Lời kinh đsống


Chàng sinh viên nọ nói với Louis Paster - Viện trưởng Viện Hàn lâm Pháp: Bây giờ là thời đại nào rồi mà còn lẩm bẩm lần chuỗi! Có lẽ nhiều người trẻ cũng thốt ra dưới những dạng khác: lần chuỗi chỉ dành cho những người ít học, những ông bà già rảnh rang, lẩm cẩm, còn chúng ta… chính câu nói này một lần nữa lại chất vấn chúng ta về việc đọc kinh Mân Côi. Dầu vậy, bình tâm suy xét sẽ thấy kinh Mân Côi vốn rất nhiệm lạ.



1. Kinh giáo dục


Tính giáo dục của kinh Mân Côi, trước tiên hệ tại kinh Lạy Cha. Đó là lời kinh của cộng đoàn. Cho dù đọc chung hay riêng chúng ta vẫn đọc: “Lạy Cha chúng con ở trên trời”, “chúng con nguyện danh Cha cả sáng”, “xin tha tội chúng con”,...; hay nơi kinh Kính Mừng: “… cầu cho chúng con”, tức đọc với tư cách cộng đoàn. Ngoài ra, chúng ta nhận thấy không thể đọc kinh Mân Côi mà không thể đặt trong sự liên đới với người khác. Điều này nhận thấy rõ nét nhất trong kinh Lạy Cha khi đọc: “Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho kẻ có lỗi với chúng con”. Như vậy, mọi lời nguyện xin trong kinh Mân Côi đều mang tính cộng đoàn và có tính chất liên đới với hết thảy mọi người, lời cầu nguyện không chỉ cho riêng tôi mà cho bất kể ai cần đến, có sức lay động tất cả mọi người.


Bên cạnh đó, khi dừng lại suy niệm từng mầu nhiệm cuộc đời Chúa Cứu Thế, chúng ta bắt gặp những lời cầu xin mang đầy nhân bản: ta hãy xin cho được ở khiêm nhường, ta hãy xin cho được lòng yêu người, ta hãy xin cho được giữ nghĩa cùng chúa luôn, trách mình vì tội đã thường phạm liên, cho con lòng vững đá vàng, con về giữ vẹn đạo thần hôn[1]… Suy cho cùng, đó là các đức tính thật thà, trung thực, khiêm nhường, cương nghị…, tất cả là những đức tính để xây dựng một con người nhân bản. Đặc biệt câu “con về giữ vẹn đạo thần hôn”[2] gây ấn tượng mạnh, đáng lưu tâm và ghi sâu trong tâm trí tôi nhất. Đó chính là đạo làm người. Đạo làm người khởi đi từ đâu?


Đạo làm người trước tiên khởi đi từ gia đình. Đức Giêsu lại là mẫu mực trong chuyện này nên chúng ta không thể nào không nhớ đến. Đạo thần hôn ở đây có thể hiểu là từ sớm tới tối, nhưng thực ra nó là “sớm tối cuộc đời”. Điều này đã được tin mừng thánh Luca ghi lại sau khi Thánh Giuse và Đức Mẹ tìm thấy Chúa trong đền thờ:


Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nazareth và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Còn Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta”. [3]


Những điều trên giúp tôi hiểu tại sao ở Việt Nam có truyền thống đọc kinh Mân Côi chung trong gia đình vào mỗi tối. Và tôi nhận thấy, nơi những gia đình đó thường bình an và hạnh phúc hơn các gia đình khác. Cũng chính những điều đó cho tôi thấy sức chữa lành của kinh Mân Côi.


2. Kinh chữa lành



Khả năng chữa lành của kinh Mân Côi trước tiên có thể nhận thấy ngay trong kinh Lạy Cha khi đọc: “Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho kẻ có lỗi với chúng con”. Quả tuyệt vời, có nhà tâm lý nào bằng Giêsu! Tôi thật vui mừng vì bắt đầu niệm kinh Mân Côi bằng lời kinh của Thầy. Lời kinh thật đơn giản, dễ đọc, dễ đi vào lòng người. Khi ta khuyên lơn ai đó, chắc gì họ đã hiểu, nhưng lời kinh này bất cứ ai cũng có thể hiểu, không kể học thức thế nào. Mỗi ngày, khi đọc đi đọc lại kinh này, lời kinh cứ vậy thấm sâu trong lòng người đọc cho dù họ hiểu hay không. Nội điều đó đã thể hiện khía cạnh tâm lý sâu xa có trong lời kinh. Đến đây tôi nhớ câu chuyện thiền sau:


Chuyện kể về một vị giáo sư nổi tiếng đã đào tạo ra nhiều học trò có học vị tiến sĩ, ông thắc mắc tại sao nhiều học trò của mình hay đến thiền viện theo học thiền sư và tự hỏi ông ấy có gì hay hơn mình, giáo sư có ý không phục, muốn đến tranh tài với thiền sư về kiến thức học rộng biết nhiều của mình. Khi đến nơi, thiền sư ra tiếp, giáo sư nóng lòng đặt câu hỏi, thiền sư chậm rãi mời khách chờ ngài nấu nước pha trà, khi rót trà vào ly, thiền sư làm như vô ý, vừa rót trà vừa hỏi chuyện xã giao với giáo sư làm nước tràn đầy ly đổ ra ngoài. Khi giáo sư đặt câu hỏi, thiền sư đã ví kiến thức của giáo sư giống như một ly nước đầy, nếu có rót thêm cũng chỉ tràn ra ngoài vô ích mà thôi, phải đổ ly trà cũ đi mới có chỗ rót trà mới vào được.


Chuyện cho thấy, chúng ta không thể lấy cái mới nếu cái cũ còn đầy ắp. Cũng thế, chúng ta không thể nhận sự tha thứ, an bình nếu trong ta còn chất chứa bao hận thù, ghét ghen. Chất chứa thù hận trong lòng như ao tù không được thay nước sẽ trở nên hôi thối, ô nhiễm không ai dám đến gần. Nếu dòng nước lưu chuyển, ao sẽ trở nên trong lành, bao nhiêu điều mới, hay tốt sẽ đến và làm cho cuộc sống trở nên phong phú. Hẳn thế mà trong dân gian lưu truyền nhiều thành ngữ đáng ta lưu tâm: “giận bầm gan tím ruột”, giận “mặt đỏ tía tai”, giận tới mức “gan héo ruột đầy”[4]. Đó là những kinh nghiệm để ta nên tránh và điều đó được nhắc tới trong kinh Mân Côi. Tha thứ ở đây không đơn thuần là điều kiện để được tha thứ nhưng là điều nên và cần làm để đón nhận những gì tốt đẹp nhất và hữu ích cho sức khoẻ thể lý cũng như tâm lý mỗi người, nhất là về mặt tinh thần mình sẽ cảm thấy an bình hơn.


Khía cạnh chữa lành nữa mà tôi nhận thấy đó là những câu, những từ mang đầy tính giáo dục như đã nêu trên. Việc lặp đi lặp lại những lời mang tính giáo dục này có sức biến đổi con người một cách lạ kỳ. Nó giống như trường hợp mà ngày nay người ta áp dụng trong học ngoại ngữ: bắt trước trẻ em, mình không nên “mắc dịch”, vì như thế rất khó học. Trẻ em không dịch nghĩa chi cả, chỉ nghe, nghe mỗi ngày nhưng khi có thể là nói được ngay. Cũng vậy, lời kinh này thấm dần vào trong con người và ảnh hưởng một cách sâu xa tới cách hành xử cũng như cuộc sống của chính người đọc. Mặc dù họ đọc mà không hiểu, đọc mà không lưu tâm nhưng có thể nói lại lần nữa rằng “mưa dầm thấm lâu”.


Một khía cạnh rất mới nhưng không hẳn mới, đó là khi niệm kinh Mân Côi chính là lúc chúng ta đang tập khí công chữa bệnh – một phương pháp chữa bệnh theo phương Đông: những bệnh nhân ung thư sắp chết, khoa học bó tay, chỉ còn cậy lời cầu bầu của Mẹ, cậy nhờ vào lòng thương xót của Thiên Chúa để được sống bình an, khoẻ mạnh, chết được thanh thản nhẹ nhàng không đau đớn thân xác. Đặt niềm tin như thế thật là sáng suốt. Khi nhất tâm đọc một câu kinh cầu nguyện cùng Chúa, cùng Đức Mẹ, nhất tâm niệm một câu Kinh Thánh… là tâm đã ổn định, tinh thần vững không sợ hãi lo đến sống chết, đọc như thế vô tình ta đang tập thở khí công. Vậy thế nào là tập thở khí công?


Thật giản đơn. Chỉ cần tạo tần số thở đều đủ tiêu chuẩn của khí công: thở chậm, nhẹ, sâu, lâu, đều, bình thường, khi đọc kinh thầm không to tiếng là nhẹ, một câu niệm 6 chữ tạo hơi thở ra đều, sâu, nếu đọc 3 chữ chỉ có đều nhưng hơi thở ngắn mà không có sâu, đọc câu dài quá, thay đổi khi dài khi ngắn bất bình thường sẽ rối loạn nhịp thở làm bệnh nặng thêm, đó là lý do người bệnh không thể đọc kinh sách được mà chỉ có niệm một câu nhất định, thời gian niệm càng lâu càng tốt, nhưng không quá sức dễ gây mệt mỏi, giúp cơ thể thoải mái, bình thường, khi niệm hay khi không niệm hơi thở vẫn chậm, nhẹ, sâu, đều, gọi là bình thường. Khi niệm một câu kinh, có 2 điều lợi: vô tình đang tập thở khí công mà không biết, đó là một tự nguyện tự tạo ra khí lực, đặt niềm tin vững mạnh vào tình thương của Thiên Chúa nhờ lời cầu bầu của Đức Mẹ và các Thánh; câu niệm tạo ra từ trường phát sóng thông tin và nhận lại được sóng thông tin trong không gian vô hình giúp tinh thần tự nhiên thông minh sáng suốt khôn ngoan hơn xưa, và niệm hay đọc kinh cầu nguyện chính là đang xin ơn Chúa trợ giúp, chất quang[5] được phát huy tuyệt đối, đối với khí công, đó là lối chữa bệnh đúng, giống như cách tạo điện bằng năng lượng ánh sáng mặt trời vậy.


Kết luận



Và còn nhiều điều nữa có thể nói về sự nhiệm lạ của kinh Mân Côi, nhưng chỉ xin chia sẻ hai khía cạnh mà bản thân cảm nghiệm và thấy rất hữa ích, tự thân đã làm, đã niệm và thấy kết quả thật tốt đẹp. Mỗi người sẽ có những cảm nghiệm và những khám phá riêng khi đọc kinh này, nhưng mỗi người cũng có cách thế riêng phù hợp trong cầu nguyện và suy niệm. Xin trích dẫn phần “niệm kinh Mân Côi” trong bài “Niệm, một hình thức cầu nguyện bị lãng quên của tác giả Trần Duy Nhiên có đăng trên giaoxudatdo.conggiao.net hoặc vuisongtinyeu.org. Với ước mong mỗi người không chỉ niệm kinh Mân Côi mà còn niệm nhiều thứ khác như một câu Kinh Thánh chẳng hạn, chính việc niệm này giúp bản thân đến gần thiên Chúa hơn!


Như vậy, kinh Mân Côi vốn không phải là thứ gì quá tầm thường và lỗi thời. Nếu lỗi thời và không còn đáp ứng được cho nhu cầu tâm linh và thể lý của con người chắc chắn sẽ không có Tông thư Kinh Mân Côi để cho mọi người thấy giá trị thần học cũng như bao giá trị khác trong nó. Đó cũng là lý do các đức giáo hoàng đã hết lòng yêu mến và cổ vũ kinh này như một phương thế tỏ lòng yêu mến Mẹ và cầu cho thế giới cũng như cho từng thành viên trong nó. Ước mong mỗi người, mỗi gia đình sẽ cùng yêu mến, gẫm suy và tái khám phá giá trị của kinh Mân Côi. Lời kinh vốn có rất nhiều hấp lực nhưng cũng không ít người lãng quên!


--------------------------------
[1] x. Kinh Mân Côi và “Văn côi thập ngữ sự thi ca”, sách kinh Địa phận Bùi Chu, Thái Bình, Hải Phòng.

[2] “Con về giữ vẹn đạo thần hôn” - ngắm thứ năm mùa vui - Văn côi thập ngũ sự thi ca: một số bản đã bị sửa là “con về thảo kính tới khi khôn” không đầy đủ ý nghĩa nên nếu gặp phải xin xem cuốn kinh bổn mới của Địa phận Bùi Chu.

[3] x. Lc 2,51-52

[4] Khi mình lấy dây thắt chặt cổ tay lại một lúc thì bàn tay tím bầm. Cũng thế, gan chủ gân, và các sợi thần kinh, gan chứa máu (can tàng huyết). Khi giận dữ, các sợi thần kinh và gân cơ co rút, ống dẫn máu thắt lại, lưu lượng máu tuần hoàn ở gan không ra được bị tắc nghẽn mạch, máu không được trao đổi oxy sẽ bị bầm tím, ngay cả da mặt cũng đỏ bầm, nếu những người bị bệnh cao áp huyết chĩ cần một cơn giận giữ, gân cơ co rút làm căng mạch máu não khiến bị đứt mạch gây ra tê liệt, nặng thì hôn mê dẫn đến tử vong… (theo Lương y - Bác sĩ - Võ sư Đỗ Đức Ngọc).

[5] Theo Lương y - Bác sĩ - võ sư Đỗ Đức Ngọc.

Theo Đông y Khí công: chữa bệnh là dùng các cách thế thích hợp để chữa bệnh: cách thế đó bao gồm dùng: Tinh, Khí, Thần (theo y học truyền thống) để chữa, nét riêng theo Đông y Khí công thì còn dùng chất Điện và chất Quang để chữa, và chất Quang có thể chữa được tất cả các chứng bệnh do Tinh, Khí, Thần hay chất Điện bị ảnh hưởng. Niệm chính là cách để tạo và hấp thu chất Quang giúp tự chữa bệnh.

Xin xem thêm các tài liệu của Bác sĩ - Võ sư Trần Đại Sỹ, Nguyễn Nhất Nam tất cả các tài liệu trên đều có trên tvvn.com

Nguyễn Thanh Cao, OP

Nguồn: Đaminh VN

0 nhận xét:

Đăng nhận xét