Thứ Năm, 22 tháng 9, 2011

Đừng quên chúng ta là con Thiên Chúa

Đừng quên chúng ta là con Thiên Chúa
(Chúa Nhật 26 Thường Niên A)
(Ed 18,25-28; Pl 2,1-11; Mt 21,28-32)


Trong nhiều lần hướng dẫn tĩnh tâm, Cha Anthony De Mélo, nhà linh đạo nổi tiếng thuộc Dòng Tên, đã kể câu chuyện ngụ ngôn “Chú Đại Bàng Con” với nhiều chi tiết và sắc thái khác nhau cho phù hợp với nhiều đối tượng, nhưng đại loại như sau:
Có một chú chim đại bàng con đi lạc, chú được bầy gà cưu mang, chú bắt chước gà con kêu chíp chíp, chú tập bới đất, ăn giun, ăn dế, rúc bờ rúc bụi… như bao chú gà con khác. Bỗng một hôm bầy gà hoảng hốt chạy tán loạn. Chú nhìn lên bầu trời thấy một ông chim to lớn, giang rộng đôi cánh, lượn qua lượn lại thật oai phong lẫm liệt. Chú chợt nghĩ, ước gì ta được bay lên cao như ông chim vĩ đại ấy. Chú thử vỗ cánh, một lần, hai lần, lần thứ ba thì chú bay vút lên trời xanh, chú sung sướng lượn qua lượn lại trên bầy gà thân quen như muốn mời gọi tất cả hãy vỗ cánh bay cao như chú để chiêm ngắm vạn vật, để tâm hồn nhẹ nhàng thanh cao, thư thái bình an, nhưng cả lũ gà mẹ gà con đều cuống cuồng trốn chạy, chui bờ rúc bụi kiếm tìm nơi nấp ẩn.
Câu chuyện trên như nhắc nhở mỗi người chúng ta rằng: xem ra chúng ta cũng đang mang tâm trạng của chú đại bàng con. Chú mang dòng máu đại bàng, là con của chúa tể các loài chim mà lại chấp nhận thân phận thấp hèn của lũ gà: bới đất, ăn giun ăn dế, rúc bờ rúc bụi…
Cũng thế, biết bao lần chúng ta lầm đường lạc lối, quên mất thân phận và nguồn gốc cao quý của mình là con Thiên Chúa, con của Chúa Tể đất trời, được dựng nên “giống hình ảnh Thiên Chúa” (St 1,27), được Chúa Giêsu cứu chuộc, được gọi Thiên Chúa là Cha, được thông phần vào sự sống thần linh, và sẽ được hưởng vinh quang với Thiên Chúa; biết bao lần chúng ta chấp nhận sống thấp hèn, sống vô trách nhiệm, sống buông thả, chạy theo những đam mê và tội lỗi của thế gian.
Ba bài đọc phụng vụ hôm nay mời gọi chúng ta chớ quên nguồn cội cao quý của chúng ta là con Thiên Chúa.
Bài đọc 1: Tiên tri Êdêkien mạnh mẽ tuyên bố sấm ngôn của Đức Chúa: “Phải chăng đường lối của Ta không ngay thẳng hay đường lối của các ngươi mới không ngay thẳng?... Nếu kẻ gian ác từ bỏ điều dữ nó đã làm, mà thi hành điều chính trực công minh, thì nó sẽ cứu được mạng sống mình” (Ed 18,26-28).
Bài đọc 2: Thánh Phaolô tha thiết mời gọi cộng đoàn Philipphê: “Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu” (Pl 2,5).
Bài Tin Mừng được đặt trong bối cảnh tranh luận gay gắt giữa Chúa Giêsu với các thượng tế và kỳ mục. Chúa Giêsu dùng “Dụ ngôn hai người con” được cha gọi đi làm vườn nho: người thứ nhất bảo “không” nhưng sau đó hối hận lại đi, để ám chỉ dân ngoại hay người tội lỗi; người thứ hai thưa “vâng” nhưng sau đó lại không đi, để ám chỉ dân Do Thái mà đại diện là các thượng tế và kỳ mục. Tin Mừng dạy ta: điều quan trọng không phải là nói suông mà là làm theo thánh ý Thiên Chúa, vì chúng ta là con cái của Ngài.
Trang Tin Mừng cho chúng ta 2 bài học:
Thứ nhất, biết bao lần chúng ta khước từ thánh ý Thiên Chúa nói qua tiếng lương tâm, qua Giáo Hội, qua tha nhân…. Chúng ta giả điếc làm ngơ để chạy theo những quyến rũ đam mê. Chúng ta tự nguyện làm nô lệ cho nhiều ông chủ mà chúng ta không hay biết; dễ thấy là những người nô lệ cho tình dục, ma tuý, rượu chè, bài bạc, đánh đề, cá độ…; khó thấy hơn là nô lệ cho tiền bạc, danh vọng, chức quyền, tầm ảnh hưởng… Có khi chúng ẩn mình dưới nhiều chiêu bài, nhiều lý do, mục đích mà xem ra rất chính đáng.
Ví dụ như nhiều bạn thanh niên nói rằng xem phim sex để học hỏi về giới tính rồi không làm chủ được mình, cuối cùng trở thành kẻ nghiện sex và nô lệ cho tình dục; nhiều bạn sinh viên - học sinh nói chơi game để giải trí, rồi mê mải đến quên cả học hành và trở thành kẻ nghiện game; người thì nhân danh đảm bảo cuộc sống gia đình và nuôi con ăn học nên bất chấp mọi thứ, kể cả những hành động bất chính để có nhiều tiền…
Người con thứ nhất trong dụ ngôn khước từ lời mời gọi của người cha, nói “không” với Thiên Chúa, nhưng sau đó anh ta hối hận và đi làm. Còn chúng ta thì sao?
Thiên Chúa luôn chờ đợi sự hối cải ăn năn của chúng ta. Ngài dựng nên con người có lý trí và tự do. Ngài không “đóng khung” hay “dán nhãn” một ai. Ngài luôn chờ đợi sự nỗ lực thăng tiến hoàn thiện của mỗi người theo thời gian. Chính vì thế mà Chúa Giêsu đã khẳng định với các thượng tế và kỳ mục trong bài Tin Mừng: "Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước (thay chỗ) các ông. Vì ông Gioan đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy”.
Dù là ai, dù ở tư thế và vị trí nào đi nữa, chúng ta cũng phải làm mới mình mỗi ngày theo thánh ý Thiên Chúa, theo khuôn mẫu của Đức Giêsu Kitô mà Thánh Phaolô mời gọi trong Bài đọc 2: “Anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu... hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên cây thập tự”.
Thứ hai, thái độ của người con thưa “vâng” nhưng cuối cùng lại không đi. Đó cũng là một thực trạng nhức nhối hiện nay đang diễn ra trên thế giới. Chính Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, trong sứ điệp nhân Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 26 vừa qua, đã chỉ rõ: “Chủ nghĩa tương đối đang lan tràn cho rằng tất cả đều có giá trị như nhau, không hề có chân lý và chuẩn mực tuyệt đối, nên chủ nghĩa ấy không đưa đến tự do đích thực, nhưng tạo nên sự bất ổn, thất vọng, lối sống chạy theo mốt nhất thời” (số 1).
Chính vì “tất cả đều tương đối”, nên Tin Mừng hay thánh ý Thiên Chúa cũng được xem như bao tư tưởng nhân loại khác. Do đó, việc vâng hay không vâng, làm hay không làm theo thánh ý Thiên Chúa thì không còn quan trọng. Thấy cái gì hay hay và thích hợp với mình thì theo, không thì thôi. Đây còn là “mốt” thời thượng, là ngôn ngữ “ngoại giao”, là lối xử thế khôn khéo không mất lòng người nào, là kiểu người dễ “hội nhập và thích nghi”…
Tuy lối sống thức thời ấy xem ra rất uyển chuyển không mất lòng ai, nhưng lại mất tất cả, mất đi nền tảng làm cho cuộc đời chúng ta có ý nghĩa, mất đi chân lý nguồn cội của chúng ta là chính Thiên Chúa và chúng ta là con cái Ngài, thuộc về Ngài và phải sống theo thánh ý Ngài để có được bình an và hạnh phúc đích thực.
Ước mong mỗi người chúng ta không bao giờ quên nguồn cội của chúng ta là con Thiên Chúa, là “hình ảnh Thiên Chúa”. Có như thế, chúng ta mới có thể vượt thắng mọi cám dỗ, đam mê, biết đứng dậy sau mỗi lần sa ngã, biết lấy Tin Mừng Đức Giêsu Kitô làm khuôn mẫu, làm thước đo, làm thang giá trị, làm nền tảng vững chắc cho cuộc đời.
Theo các nhà linh đạo, giây phút đẹp nhất của con người là giây phút biết đứng lên sau khi sa ngã, lầm lạc và phạm tội. Giây phút ấy luôn chờ đón tất cả mọi người, không bao giờ là quá trễ để mỗi người chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa. Amen.


PT. Thomas Nguyễn Văn Hiệp

0 nhận xét:

Đăng nhận xét